Sinh viên chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm

05/04/2024, 08:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để tìm kiếm cơ hội việc làm, nhiều sinh viên năm cuối đã xây dựng kế hoạch học tập hoàn thành sớm.

Các bạn dành nhiều thời gian trong giai đoạn nước rút tham gia vào các chương trình thực tập. Thậm chí, một số bạn đã bắt đầu tìm kiếm công việc liên quan đến chuyên ngành của mình ngay từ năm thứ ba để tích luỹ thêm kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp.

Lên kế hoạch sớm

Dù đến cuối tháng 5 tới mới tốt nghiệp, song Nguyễn Thị Thư - sinh viên Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được nhận vào giảng dạy tại Trường TH - THCS - THPT Ngôi Sao Hà Nội (Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là cơ hội việc làm mà bất kỳ sinh viên sư phạm nào cũng ao ước. Thành quả đó minh chứng cho quá trình cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của cô nữ sinh trường sư phạm trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

Được biết, ngay từ năm thứ nhất, ngoài việc học tập ở trường, Thư bắt đầu đi làm gia sư để tích lũy kinh nghiệm và thu nhập. Đến năm thứ hai, Thư thử sức với tư cách trợ giảng tại các trung tâm để có môi trường mở rộng, được tiếp cận với nhiều nhóm học sinh, từ đó hiểu và rèn luyện cho mình nghiệp vụ sư phạm. Ngoài ra, nữ sinh này còn đăng ký tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, tham gia viết sách tài liệu tham khảo nhằm trau dồi thêm kiến thức chuyên môn.

Sang năm thứ ba đi kiến tập thì Thư đã đủ năng động và tự tin đăng ký thử sức trong một trường công lập nhằm hiểu rõ hơn môi trường làm việc, một trong những lựa chọn của cô trong tương lai gần. Sang năm thứ 4 đi thực tập, để có cơ hội trải nghiệm ở nhiều môi trường trải nghiệm khác nhau, Thư đăng ký vào một trường tư trên địa bàn Hà Nội.

“Em thấy tham gia vào môi trường làm việc nào cũng tốt, vì từ những trải nghiệm thực tế, mình sẽ có được tầm nhìn cho công việc sau này. Nhưng em ưu tiên chọn lựa những trường có tiềm năng phát triển bản thân và tạo cơ hội việc làm cho mình sau khi thực tập. Việc tìm hiểu nhiều môi trường giúp em hiểu hơn về bản thân và chọn được môi trường làm việc phù hợp”, Thư chia sẻ.

Suốt thời gian thực tập, thay vì chỉ hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Thư chủ động đăng ký tham gia mọi hoạt động đang diễn ra trong nhà trường, từ hoạt động chuyên môn đứng lớp, đến các cuộc ngoại khóa, công tác chấm thi, coi thi học kỳ.

Em quan niệm, mỗi nhiệm vụ sẽ là một lần được tích luỹ thêm kinh nghiệm, hành trang trở thành nhà giáo mô phạm. Với tinh thần ham học hỏi, không ngại khó, cộng thêm thành tích học tập tốt, sau khi kết thúc thực tập Thư đã được nhà trường giữ lại làm việc.

TS Phạm Thu Thuỷ. Ảnh NVCC
TS Phạm Thu Thuỷ. Ảnh NVCC

“Để tăng cơ hội việc làm sau này cho mình, người học phải chủ động rèn luyện, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm. Quá trình đi thực tập bản thân cần chịu khó chắt chiu, cầu thị để có thêm kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế”, Thư chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế của bản thân.

Cũng giống như Thư, Nguyễn Hiền Mai - sinh viên năm 4 ngành Marketing, Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chủ động rèn luyện, nâng cao năng lực ngoại ngữ, khả năng chuyên môn để giảm bớt áp lực sau khi tốt nghiệp.

Ngay từ năm nhất đại học, Mai đã dành thời gian học ngoại ngữ, luyện thi chứng chỉ IELTS bởi em biết, ngành học của mình cần có tiếng Anh thật tốt mới có thể tiến xa. Cách học của em là vừa ôn thi, luyện đề, thi IELTS, vừa xin đi làm trợ giảng tại trung tâm tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học để tăng cường kỹ năng giao tiếp.

Cuối năm thứ ba, Mai bắt đầu tìm kiếm việc làm thêm, xin thực tập tại bộ phận chuyên môn đúng chuyên ngành mình học để cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm, hiểu được yêu cầu của ngành nghề mình theo học sau khi tốt nghiệp.

“Em chấp nhận mức lương thấp để đạt được mục tiêu tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Bởi hiện nay, nhà tuyển dụng yêu cầu rất khắt khe về kinh nghiệm đối với sinh viên mới ra trường. Đòi hỏi này khiến em và nhiều bạn lo lắng, hoang mang giữa năng lực bản thân và cơ hội việc làm”, Hiền Mai chia sẻ.

TS Trần Bá Dung. Ảnh NVCC
TS Trần Bá Dung. Ảnh NVCC

Giỏi kiến thức chưa đủ

Thời điểm này, sinh viên năm cuối các trường đại học, cao đẳng đang hoàn thành chương trình thực tập để chuẩn bị tốt nghiệp. Nhiều sinh viên đã chạm tay được vào công việc mơ ước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Song, không ít sinh viên tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi phải đối mặt với yêu cầu khắt khe của thị trường lao động.

TS Trần Bá Dung - Trưởng khoa Marketing - Truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen nhìn nhận, để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, sinh viên chuẩn bị ra trường phải xác định được năng lực của bản thân. Đặc biệt ngoài kiến thức chuyên môn, các em cần trang bị kỹ năng ngoại ngữ thật tốt mới có thêm cơ hội lựa chọn cũng như phát triển trong nghề nghiệp.

“Với thời đại công nghệ hiện nay, sinh viên rất dễ dàng tra cứu và tìm hiểu thông tin việc làm cũng như tìm hiểu môi trường làm việc mà mình kỳ vọng, những đòi hỏi của vị trí công việc ra sao… để có thời gian giậm đà và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng”, TS Trần Bá Dung chia sẻ thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Phạm Thu Thủy - Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đánh giá, một trong những tiêu chí quan trọng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm từ các ứng viên mới tốt nghiệp đó là tinh thần cầu tiến và thái độ sẵn sàng làm việc.

Khi ra trường, tham gia vào thị trường lao động là lúc các bạn cần tích cực quan sát, áp dụng linh hoạt và hiệu quả kiến thức vào thực tế. Do đó, tất cả các kiến thức, kỹ năng quan trọng mà sinh viên tích luỹ trên giảng đường chính là hành trang quý giá để hỗ trợ các em làm việc.

“Để được tuyển dụng và phát triển trong môi trường doanh nghiệp, các bạn sinh viên cần tự tin thể hiện mong muốn được làm việc, tích cực học hỏi, không ngại việc khó, việc nhỏ, thể hiện tư duy sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Như vậy, chắc chắn các bạn sẽ chinh phục được nhà tuyển dụng và được trọng dụng trong tổ chức”, bà Thủy nhắn nhủ tới sinh viên.

“Trường Đại học Hoa Sen luôn quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên năm cuối. Nhà trường luôn hỗ trợ các em xây dựng kế hoạch học tập - thực hành sát với nhu cầu của thị trường lao động và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị để gửi sinh viên đến thực tập, kết hợp đào tạo cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.

Bên cạnh đó, ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi còn tư vấn, hướng dẫn cho sinh viên cách làm hồ sơ xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn… để các em có thêm hành trang sau khi tốt nghiệp”, TS Trần Bá Dung chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm