Là người trẻ sử dụng mạng xã hội thường xuyên, Huyền học được cách chọn lọc thông tin. Em chỉ tìm đọc trên các tờ báo chính thống hoặc trang Facebook chính thống, cố gắng hạn chế tiếp cận thông tin giật gân, gây sốc hoặc chưa được kiểm chứng. Do đó, dù mắc Covid-19, em không bị hoảng loạn.
Mắc Covid-19 khiến em tự lập hơn và học cách trang bị cho cuộc sống của mình. Trước đây, em ít khi tích trữ thuốc trong phòng trọ nhưng khi thấy số ca nhiễm tăng, em đã mua một số thuốc không kê đơn cần thiết.
Sống xa gia đình và bị bệnh, em càng cảm thấy may mắn khi có những người bạn tốt giúp mua nhu yếu phẩm, nhắn tin, gọi điện thăm hỏi. Sự hỗ trợ của các bạn khiến em yên tâm hơn và giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
Huyền muốn chia sẻ với các bạn sinh viên rằng, dù mắc bệnh hay đã tiêm vắc-xin, hãy giữ ý thức trách nhiệm với cộng đồng, thực hiện nghiêm các quy định 5K. Hãy chăm chỉ tập luyện thể thao, bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể và giữ tinh thần lạc quan, kiên cường. Khi đối mặt khó khăn thay vì sợ hãi, hãy coi các thử thách là cơ hội để hoàn thiện bản thân.
Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam TPHCM: Biến thách thức thành cơ hội
Bên cạnh nhận hỗ trợ y tế, sinh viên mắc Covid-19 cần trang bị sức khỏe tâm thần và tâm lý vững vàng. Trước tiên, các em cần nhận thức tốt các vấn đề như các dấu hiệu của F0 để không lây lan cho người khác.
Việc mắc bệnh đã xảy ra và không thể thay đổi. Nếu các em lo lắng, cảm thấy bí bách, suy nghĩ tiêu cực… chỉ làm tăng mệt mỏi, giảm đề kháng chống lại dịch bệnh. Một trong những liều thuốc có thể chữa được bách bệnh đó là trạng thái vui vẻ, sự sẵn sàng đón nhận và tìm cách để vượt qua.
Bên cạnh đó, các em cần suy nghĩ tích cực. Covid-19 là đại dịch toàn cầu và rất nhiều người mắc phải. Trước các em, nhiều người nhiễm bệnh đã tử vong. Nhưng các em may mắn hơn khi có vắc-xin và sự hỗ trợ của các chương trình tâm lý, y tế. Cảm thấy mình may mắn sẽ khiến các em biết ơn cuộc sống và tự chăm sóc tốt bản thân.
Tiếp đó, các em hãy coi thời gian tự điều trị là “thời gian riêng”. Các em có ít nhất 7 ngày để sắp xếp lại cuộc sống. Theo các chuyên gia tâm lý, 7 ngày là quãng thời gian có thể thay đổi hành vi của con người. Nếu các em quyết tâm, hãy biến 7 ngày cách ly thành thời gian ý nghĩa nhưng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu được, các em hãy “quên” mình đang là F0. Điều này không có nghĩa là trốn chạy thực tế. Thay vì “đếm” triệu chứng, test liên tục, các em hãy nghĩ đến việc khác, tập trung vào sở thích khi bình thường chưa có thời gian thực hiện. Nhưng khi có triệu chứng, các em cần nghỉ ngơi phù hợp.
Ngoài ra, bị gián đoạn học tập tại trường hoặc tạm ngừng làm thêm là điều không ai muốn, các em đừng quá băn khoăn mà ảnh hưởng đến quá trình tự điều trị. Hãy suy nghĩ khách quan và chấp nhận bản thân đang mệt và cần nghỉ ngơi. Bởi lẽ một vài ý nghĩ tiêu cực cộng hưởng sẽ làm ảnh hưởng tâm lý các em rất lớn. Việc tập các bài thể dục nhẹ nhàng, tập thở, thiền… sẽ khiến cơ thể lưu thông khí huyết, đảm bảo không rơi vào tình trạng nguy kịch.
Cuối cùng, sinh viên nên nhớ rằng các em không chỉ có một mình. Hiện tại, các em có thể phải tự điều trị bệnh nhưng gia đình, nhà trường, bạn bè, đội ngũ y, bác sĩ, đội ngũ chuyên gia tâm lý… sẵn sàng hỗ trợ nếu các em phát tín hiệu SOS.