“Chương trình trên lớp chỉ phù hợp để thi học phần. Trình độ ngoại ngữ của sinh viên mỗi người một khác nên bạn nào mất gốc sẽ khó theo kịp vì thầy cô dạy rất nhanh, do tiếp nối từ chương trình THPT. Không đi học thêm thì gần như không có kỹ năng để làm đề thi với 4 kỹ năng”. Năm cuối, D. đã nghỉ làm thêm, dành phần lớn thời gian học tại nhà và hoàn thiện các môn học trên lớp.
Bảng tham chiếu quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: ITN |
Nói về thực trạng trình độ tiếng Anh của sinh viên hiện nay, cô Nguyễn Thị Ngọc Trang - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hà Thành (dạy TOEIC và IELTS tại một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội) cho rằng, có sự chênh lệch tương đối lớn giữa sinh viên. “Nhiều em có khả năng học tốt do đầu tư từ sớm. Nhưng đa số sinh viên mất gốc từ bậc phổ thông. Khi lên đại học, các em không theo kịp chương trình học trên lớp, thêm sức ép từ đầu ra ngoại ngữ nên càng thấy sợ, dễ chán nản và mông lung không biết bắt đầu từ đâu”.
Cũng theo cô Trang, chương trình học trên lớp theo tín chỉ, chưa phù hợp với mục tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ và cấu trúc đề thi thực tế. Thời lượng tiết học cũng ảnh hưởng ít nhiều vì giảng viên không đủ thời gian để vừa dạy theo chương trình, vừa chỉ các kỹ năng làm bài thi.
Để có thể ôn tập tiếng Anh tốt nhất, sinh viên cần đầu tư thời gian, tìm lộ trình phù hợp với trình độ và mục đích học. “Hai năm cuối chương trình học nặng và quỹ thời gian không nhiều. Sinh viên cần đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ, từ đó mới có thể xây dựng được kế hoạch ôn thi phù hợp. Học vững ngữ pháp, từ vựng và cố gắng tăng cường giao tiếp, luyện nghe mỗi ngày để chắc kiến thức”.
Một số sinh viên sau khi theo học tại các trung tâm ôn luyện nhận thấy phần lớn dạy theo mẫu để đi thi, kiến thức sử dụng trí nhớ ngắn hạn và các mẹo làm bài nên chỉ được một thời gian sẽ quên hết. Vậy nên, theo cô Trang, sinh viên cần học ngoại ngữ từ sớm, vừa có kiến thức thật sự và không gặp áp lực đối với chuẩn đầu ra để xét tốt nghiệp.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam có 8 bậc: Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II, Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ.
Theo quy định, chuẩn đầu ra bao gồm: Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; Kỹ năng nhận thức, thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Khối lượng học tập tối thiểu, được tính bằng số tín chỉ người học phải tích lũy cho mỗi trình độ. Văn bằng, chứng chỉ là văn bản công nhận kết quả học tập của cơ sở giáo dục đối với cá nhân sau khi kết thúc một khóa học, đáp ứng chuẩn đầu ra do cơ sở giáo dục quy định.