Việc dành riêng một ngày trong dịp lễ quốc gia cho nhà giáo thể hiện sự tôn trọng lớn lao đối với những người trong nghề. Điều này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về truyền thống “tôn sự trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Thầy David Holloway cho hay, ở nước Anh, nghề dạy học chưa được trân trọng và công nhận xứng đáng về sự tận tâm với sinh viên như Việt Nam. Ở đất nước hình chữ S, học trò rất tôn trọng giáo viên. Họ hiểu rằng công việc này khó khăn như thế nào? “Nước Anh không có truyền thống “mùng 3 Tết thầy”. Tôi ước gì chúng tôi cũng có” - thầy David Holloway bộc bạch.
Sinh viên quốc tế thích thú khi được trải nghiệm nặn tò he. |
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất với học trò trong ngày Tết Nguyên đán, thầy David Holloway nhớ lại, khi mới đến Việt Nam, là người nước ngoài nên thầy cảm thấy có phần cô quạnh vì mọi nơi đều đóng cửa và mọi người trở về quê hương đón Tết.
“Điều khiến tôi mỉm cười là, tôi nhận được tin nhắn của các bạn sinh viên chúc mừng trong dịp Tết. Các bạn ấy đã gợi ý cho tôi những món ăn truyền thống như: bánh Chưng, giò, chả. Những món này rất ngon, đến giờ tôi vẫn ấn tượng về nó nên không thể không ăn mỗi khi ở lại Việt Nam đón Tết” - thầy David Holloway bộc bạch.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 45.000 lưu học sinh đến từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ học tập tại Việt Nam. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các trường đại học đã tổ chức nhiều hoạt động để sinh viên quốc tế có cơ hội trải nghiệm về văn hóa đặc sắc của người Việt trong Tết cổ truyền của dân tộc như: xin chữ ông đồ, bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, trò chơi dân gian và các món ăn truyền thống…