Sinh viên sớm tiếp cận chuyên ngành: Thực học, thực hành, 'thực chiến'

Anh Tú | 03/12/2022, 13:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sửa đổi chương trình đào tạo được nhiều trường đại học thực hiện nhằm nâng cao chất lượng.

Không ít chương trình sau khi được cải tiến theo hướng cho sinh viên sớm tiếp cận chuyên ngành, “thực chiến” tại doanh nghiệp đã mang lại sự hào hứng cho người học.

Tiếp cận chuyên ngành từ năm đầu

Không cứng nhắc với khung chương trình theo tuần tự năm nhất học đại cương, năm 2 - 3 bắt đầu tiếp cận các môn học cơ sở ngành rồi mới tiến tới học chuyên ngành vào năm 4, nhiều trường đại học đã và đang lật ngược hoặc lồng ghép một cách linh hoạt các môn học để gia tăng hứng thú học tập cho sinh viên.

Tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), tùy theo nhóm ngành sinh viên theo học, việc học tập song song tại giảng đường và doanh nghiệp được triển khai ngay từ năm đầu tiên. PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng HUTECH, cho biết, trường luôn đề cao đào tạo nhân lực chất lượng với chiến lược toàn diện cả về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, trong thiết kế chương trình đào tạo cho từng khối ngành, nhóm ngành, trường luôn tìm kiếm giải pháp sao cho sự linh hoạt và hứng thú học tập của sinh viên phải được đan cài hợp lý.

“Nhiều năm qua, sinh viên HUTECH, nhất là khối kỹ thuật, ngay từ năm nhất chỉ phải học đại cương 1 học kỳ, học kỳ tiếp theo được chủ động đăng ký học phần. Ở nhiều khoa, hoạt động đào tạo gắn với thực hành tại doanh nghiệp được triển khai xen kẽ cho sinh viên ngay từ học kỳ II của năm nhất… Chính điều đó tạo nên hứng thú học tập cho sinh viên từ khi bắt đầu chuyển đổi môi trường học tập. Đặc biệt, việc sớm được học tập và trải nghiệm tại doanh nghiệp còn giúp sinh viên năm nhất định hình được sở thích và đam mê thật sự để kịp thời điều chỉnh nếu thấy không phù hợp”, PGS.TS Thanh Phương chia sẻ.

Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, việc linh hoạt trong thiết kế lại chương trình đào tạo ở một số khối ngành đã và đang mang lại những tín hiệu rất tích cực. Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, việc thiết kế chương trình theo hướng đan cài các môn đại cương với cơ sở ngành ngay từ năm nhất giúp giảm tỷ lệ sinh viên nghỉ, bỏ học hoặc bị cảnh cáo học vụ.

“Việc điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng chủ động, xen cài giữa lý thuyết và thực tiễn của các môn cơ sở ngành, chuyên ngành được thực hiện sau khi khảo sát ý kiến của người học. Từ khi áp dụng chương trình đào tạo mới theo hướng bố trí sinh viên năm nhất học số môn học cơ sở ngành bên cạnh khối kiến thức đại cương, thậm chí, những môn lý luận được bố trí rải ra ở nhiều học kỳ, có những môn học ở học kỳ 5 hoặc 6 tùy ngành… đã giúp sinh viên không còn cảm giác “ngán” học.

Từ khi áp dụng chương trình mới (2 khối ngành kinh tế và công nghệ triển khai từ năm 2018), phản hồi của người học tích cực hơn nhiều. Trong đó, kết quả phân tích phổ điểm sinh viên qua từng năm so với trước thấy tốt hơn. Đặc biệt, số lượng sinh viên bị điểm kém, cảnh cáo học vụ giảm còn khoảng 4%/năm”, TS Nguyễn Trung Nhân nói.

Sinh viên sớm tiếp cận chuyên ngành: Thực học, thực hành, 'thực chiến' ảnh 1

Sinh viên ngành CNTT của Trường ĐH Đại Nam trong giờ học.

Đưa sinh viên “thực chiến” sớm

Bên cạnh thiết kế lại các nhóm môn cơ sở ngành, chuyên ngành, trong chương trình đào tạo của nhiều trường còn sớm đưa sinh viên đi thực chiến doanh nghiệp. TS Trần Đăng Công, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Đại học Đại Nam, cho hay: “Để có thể đưa sinh viên ngay từ năm thứ nhất xuống thực tập tại các doanh nghiệp, Khoa CNTT đã xây dựng lại chương trình đào tạo.

Ngoài việc phân nhỏ các học phần đại cương bắt buộc với sinh viên năm nhất sang các năm tiếp theo, chúng tôi còn cho phép các em được đăng ký các môn cơ sở ngành ngay từ học kỳ I, qua đó giúp sinh viên được tiếp thu các học phần lập trình, phân tích dữ liệu, kỹ năng mềm, ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp. Chương trình đào tạo mới của khoa hiện nay có nhiều ưu điểm nhằm tạo năng lực cho sinh viên đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài với đòi hỏi của thị trường lao động. Đây là tiền đề để sinh viên CNTT có thể thực tập tại các doanh nghiệp CNTT lớn ngay từ năm thứ nhất”.

Sinh viên sớm làm quen, tiếp nhận và rèn luyện kỹ năng cuộc sống, nghề nghiệp không chỉ giúp các em nhanh chóng trưởng thành. Quan trọng hơn việc đưa sinh viên vào môi trường thực tế ngay từ khi bắt đầu sẽ giúp người học hiểu mình, hiểu nghề hơn.

“Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên sớm có những trải nghiệm nghề nghiệp, chương trình đào tạo của nhà trường được bố trí một cách linh hoạt theo nhiều hướng. Sinh viên năm nhất có thể đăng ký học tập, tiếp cận với doanh nghiệp ngay từ học kỳ II. Bên cạnh việc “thả” sinh viên vào môi trường làm việc sớm, nhà trường cũng sắp xếp và yêu cầu sinh viên phải hoàn thành 2 học phần bắt buộc là nhập môn và kỹ năng mềm ngay từ năm đầu.

Mục đích là nâng cao khả năng tương tác, trải nghiệm và tạo sự hứng khởi trong học tập cho sinh viên. Thực tế, việc đào tạo theo tín chỉ cho phép nhà trường, sinh viên khá linh hoạt trong việc học. Nhà trường có thể mời doanh nghiệp vào tham gia giảng dạy. Sinh viên thì có thể chủ động tham gia học ở môi trường doanh nghiệp ngay từ năm nhất nếu muốn. Sự song hành trên mang đến nhiều tích cực trong công tác đào tạo; sinh viên tự tin, chủ động hơn”, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing chia sẻ.

TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, nhìn nhận việc sớm đưa sinh viên vào môi trường doanh nghiệp (học kỳ doanh nghiệp) mang lại nhiều lợi ích. Cái lợi lớn nhất là giúp các em sớm hiểu ngành, hiểu nghề và thấy năng lực có phù hợp và đủ đam mê ngành mình theo học. Từ năm 2021, Trường ĐH Nha Trang đã bổ sung 2 môn học mới bắt buộc sinh viên năm nhất phải hoàn thành là Phương pháp tư duy và Ngôn ngữ học thuật.

“Bên cạnh yêu cầu sinh viên học 2 môn trên để có nền tảng nhận thức sâu hơn về ngành nghề, các giải pháp rèn luyện kỹ năng, ngôn ngữ, nhà trường cũng cho sinh viên năm nhất được đăng ký các môn học cơ sở ngành ngay từ học kỳ I. Thông qua giới thiệu chương trình học, cơ hội việc làm sớm cho sinh viên (làm bán thời gian), người học hiểu rõ hơn quy trình và văn hóa lao động của doanh nghiệp, qua đó biết cần học thêm kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng nào cũng như quyết tâm theo đuổi ngành học đã chọn”, TS Tô văn Phương nói.

Võ Quỳnh Trang, sinh viên năm 2 ngành Logistics, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: Sự trải nghiệm ở những nơi trực tiếp vận hành các hoạt động logistics như cảng, kho bãi, các hãng vận tải công cộng ngày từ cuối năm 1 cho em và các bạn trong lớp những kinh nghiệm và kiến thức thực tế vô cùng quý giá. Cái em thấy tốt nhất chính là kỹ năng làm việc nhóm, sự thúc đẩy sáng tạo của từng thành viên. Trong các buổi học thực tế tại doanh nghiệp, thầy hướng dẫn luôn cho chúng em tự tìm hiểu, xây dựng các mô hình (mô hình mô phỏng) các ý tưởng phục vụ ngành, hướng đến mục tiêu tiết giảm tối đa chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên sớm tiếp cận chuyên ngành: Thực học, thực hành, 'thực chiến'