Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra giám sát tại một số nơi vẫn tiếp tục ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ từ 3-4 lần. Theo quy định, vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Trong khi đó, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong tuần này cho thấy, tại thôn 8, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (BI=80); phường Định Công, quận Hoàng Mai (BI=60); xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên (BI=50)…
BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng. Người bệnh từ khi có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ khoảng vài tiếng.
Do vậy, bệnh nhân khi đến bệnh viện, tình trạng bệnh phụ thuộc lớn vào việc xử lý ban đầu có kịp thời hay không. Với những bệnh nhân được xử lý ban đầu tốt thì việc khắc phục các diễn biến nặng tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nếu xử lý ban đầu không tốt, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng khiến việc điều trị cực kỳ khó khăn.
Theo BS. Cấp, nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau.
Ở trẻ nhỏ thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn, ít có biến chứng chảy máu nghiêm trọng.
Ở người già và người có bệnh nền, biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn, nhất là ở người loét dạ dày tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch. Nếu như xuất huyết xảy ra trên những bệnh nhân này thì việc xử lý cực kỳ khó khăn.
Bệnh nhân sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày thứ 4 trở đi, khi có hiện tượng thoát dịch ra lòng mạch. Rất nhiều trường hợp vào viện đã là ngày thứ 4, thứ 5, tức là bước vào giai đoạn nặng, họ không được kiểm soát tốt việc truyền dịch, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm để đánh giá xác định tình trạng bệnh.