Theo ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, 4 địa phương có tuyến cao tốc đi qua đã chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho 740 hộ dân trong tổng số gần 1.800 hộ dân bị ảnh hưởng, đạt hơn 41% số hộ; qua đó cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 40% diện tích đất cho dự án cao tốc. Các địa phương có tiến độ giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất là huyện Mỹ Xuyên đạt trên 90%, thành phố Sóc Trăng đạt trên 55%, 2 huyện còn lại là Mỹ Tú đạt trên 33% và huyện Trần Đề đạt 23%.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, dự án cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia và là công trình đặc biệt quan trọng của tỉnh. Vì vậy, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tỉnh đã thực hiện thận trọng, phù hợp theo đúng quy định pháp luật. Việc xác định giá đất được đảm bảo theo quy trình chặt chẽ như: điều tra, khảo sát xác định giá đất (cơ bản phù hợp với giá đất phổ biến của thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân), thông qua hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất.
Ngoài bồi thường về đất, người dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án cao tốc còn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định như: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ tái định cư…
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, xem việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án đầu tư là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong giải phóng mặt bằng là UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh cũng như các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị tại địa phương, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia tuyên truyền, vận động, kịp thời giải đáp thắc mắc, kiến nghị nhằm tạo sự đồng thuận của người có đất thu hồi và tạo điều kiện thuận lợi cho giải phóng mặt bằng.