Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (Mã: DIG) ghi nhận hàng tồn kho lên tới 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 1,01 lần so cuối năm 2022. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm tới 97,7%, tập trung vào các dự án như Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước (1.320 tỷ đồng), dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (1.999 tỷ đồng), dự án khu dân cư P4 Hậu Giang (800 tỷ đồng),…
Cũng tính đến ngày 31/3/2023, lượng hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) là gần 4.100 tỷ đồng, tập trung vào các dự án như The Sóng (75 tỷ đồng), Westgate (3.184 tỷ đồng), dự án The Standard (338 tỷ đồng), Signial (376 tỷ đồng),…
Chỉ số hàng tồn kho của Văn Phú Invest (Mã: VPI) cũng ghi nhận con số gần 2.000 tỷ đồng và của Công ty CP Tập đoàn CEO (Mã: CEO) là gần 1.500 tỷ đồng.
Xét về tỷ trọng hàng tồn kho trên tổng tài sản, Novaland hiện là đơn vị có tỷ lệ này cao nhất trong nhóm doanh nghiệp bất động sản khảo sát với gần 64%. Tiếp đến là Khang Điền với con số ghi nhận lên tới 61%. Một số doanh nghiệp khác có tỷ lệ lượng hàng tồn kho so tổng tài sản cao trên 50% là Phát Đạt (56%) và Nam Long (57%).
Con số này tại Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng là 44%. Tỷ trọng của lượng hàng tồn kho trên tổng tài sản quá lớn là chỉ số cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp địa ốc dễ rơi vào kịch bản kẹt vốn trong bối cảnh dòng tiền khó.
Trong khi đó, có tỷ lệ lượng hàng tồn kho so tổng tài sản Vinhomes chỉ ghi nhận ở mức 10%, Văn Phú Invest 17% và Tập đoàn CEO 22,3%.
Tháo nguồn cung, gỡ lực cầu
Chỉ báo về lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc trong bức tranh thị trường bất động sản không mấy tươi sáng cũng là thách thức với công ty bất động sản.
Báo cáo công bố mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) ghi nhận, có một sự sụt giảm đáng kể về sức cầu. Đơn vị này cho rằng, nguyên nhân chính đến từ sản phẩm nghèo nào, phần lớn đến từ các dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn.
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi cao, lãi suất cho vay bất động sản cũng vẫn lớn là lý do sụt giảm sức cầu. Theo (VARs) niềm tin vào thị trường bất động sản của khách hàng sụt giảm cũng như lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính là cản trở cho việc người mua bất động sản đưa ra quyết định. Khi sức cầu giảm, thanh khoản chậm, doanh nghiệp địa ốc càng đối mặt với tình cảnh “hàng ế” gia tăng.
Về nguồn cung, theo VARs, nhiều dự án đang “đóng băng” khi vướng về thủ tục hành lang pháp lý khiến việc xây dựng dang dở. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp ra tăng.
Giới chuyên gia cũng kỳ vọng rằng, với chính sách tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật, cũng như động thái hạ lãi suất cho vay, trong thời gian tới nguồn cung sẽ được cải thiện, sức cầu gia tăng, thanh khoản thị trường trở lại. Bài toán về hàng tồn của doanh nghiệp địa ốc sẽ phần nào được giải quyết.