Sức khỏe

Sống khỏe với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Phạm Hoa 14/07/2024 13:06

(GDTĐ) - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường. COPD có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể sống khỏe nếu duy trì lối sống lành mạnh.

Bỏ thuốc lá: Ngừng hút thuốc là điều kiện tiên quyết nếu bạn muốn cải thiện sức. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Hoa Kỳ), hút thuốc không chỉ là nguyên nhân gây COPD mà nó còn làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và gây cản trở trong quá trình điều trị. Một lưu ý quan trọng nữa đó là hãy cố gắng tránh hút thuốc thụ động nhiều nhất có thể.

Vận động thể chất: Những hoạt động thể chất gắng sức có thể gây khó thở cho người bị phổi tắc nghẽn mạn tính.Nhưng điều này không có nghĩa là bạn không thể tập thể dục. Chỉ với việc đi bộ từ 20- 30 phút mỗi ngày, bạn đã có thể rèn luyện sức khỏe cho phổi nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sỹ về những bài tập giúp phục hồi chức năng phổi có sự hướng dẫn và giám sát.

Tập thở cơ hoành: Tập thở đối với người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vô cùng quan trọng. Thay vì thở nông, bạn hãy bắt đầu tập thở cơ hoành hay còn gọi là thở bụng. Hít thở đúng cách không chỉ có tác dụng với người bệnh COPD, mà nó còn đem lại rất nhiều lợi ích kể cả khi bạn không gặp vấn đề gì về phổi. Theo các chuyên gia, việc điều hòa nhịp thở trong khi tập luyện yoga hoặc thái cực quyền cũng giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Ăn uống đầy đủ: OPD có thể khiến người bệnh khó thở, mệt mỏi, ho nhiều, cảm, sốt… Những triệu chứng này khiến người bệnh chán ăn hoặc ăn ít, từ đó gây sụt cân nhanh và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Vì thế, người bị phổi tắc nghẽn mạn tính cần duy trì một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Theo Hiệp hội Phổi (Hoa Kỳ), chế độ ăn đầy đủ chất sinh dưỡng giúp bảo vệ cơ thể, chống viêm nhiễm.

Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Ô nhiễm không khí bao gồm chất đốt được sử dụng để nấu nướng, hoặc các tác nhân gây ô nhiễm tại nơi làm việc như bụi và hóa chất, cũng có thể làm bệnh COPD tiến triển. Ngày nay do công nghiệp hóa nếu người bệnh COPD tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, khói nhiên liệu…, sẽ khiến các triệu chứng COPD dễ tái phát. Vì vậy, người bệnh cần luôn giữ cho không khí ở nơi sinh sống luôn sạch sẽ, thông thoáng.

Cần mang khẩu trang và mũ khi ra ngoài: Khi thời tiết thay đổi, nhiệt độ lạnh có thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn. Các nghiên cứu cho thấy, không khí lạnh, khô hoặc nóng có thể gây kích ứng các triệu chứng COPD. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trở gió hoặc thay đổi người bệnh COPD ra ngoài cần phải mang khẩu trang, hãy che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài.

Rửa tay thường xuyên và tiêm chủng đầy đủ vaccine: Do nhiễm trùng đường hô hấp rất nguy hiểm đối với những người bị COPD vì thế các yếu tố lây nhiễm, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm, có thể làm cho tình trạng khó thở, ho khan và thở khò khè trở nên trầm trọng hơn.

Do đó, những người bị bệnh phổi tắc nghẽn nên rửa tay thường xuyên và tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cần thiết. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biểu hiện COPD là giảm nguy cơ nhiễm trùng. Theo khuyến cáo người bệnh cần được tiêm phòng cúm mỗi năm một lần vào đầu mùa thu, tiêm vaccin phòng phế cầu khuẩn 5 năm một lần.

Hãy đến bác sĩ để được giúp đỡ khi cần: Người bệnh cần đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng. Và người bệnh cần dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh.

Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng của sức khỏe của mình xấu đi. Người bệnh cần chuẩn bị sẵn các số điện thoại của bác sĩ, bệnh viện để được hỗ trợ tư vấn khi cần. Hãy đi cấp cứu ngay nếu có dấu hiệu nguy hiểm như: nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng - thở vẫn gấp và khó.

Nếu mắc COPD mức độ nặng, người bệnh không nên bi quan mà hãy chia sẻ những ưu phiền với người thân và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái.

Để phòng COPD người bệnh cần bỏ và tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào, hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với khí, khói độc hại, bụi. Chúng ta cần có bảo hộ lao động tốt cho những người làm việc trong môi trường có hóa chất, khói, bụi bặm.

Cần thường xuyên tập thể dục đều đặn, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy. Nếu thời tiết chuyển lạnh, cần mặc ấm, không để nhiễm lạnh đột ngột. Khi ra đường, cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm; tay, chân cần đi tất. Luôn luôn có đủ thuốc để dự phòng mà bác sĩ đã kê đơn trong các lần khám bệnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống khỏe với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)