Sống ở đáy sông: Đeo chì đi dưới sông Hàn

01/02/2024, 14:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đến Đà Nẵng thưởng thức hải sản, du khách không thể bỏ qua món chíp chíp hấp, xào trứ danh. Để có được những con chíp chíp thơm lừng, ăn lần là nhớ mãi những ngư dân phải nhảy xuống sông Hàn, lặn hàng tiếng đồng hồ để tìm bắt.

Thuyền cắm sào, vợ ngồi chờ chồng lặn dưới đáy sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Thuyền cắm sào, vợ ngồi chờ chồng lặn dưới đáy sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Đoàn kết bảo vệ sản vật quý

Năm nay đã 60 tuổi, ông Nguyễn Văn Lịch - Chủ tịch Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà nghỉ nghề lặn được 2 năm nay. Toàn bộ phương tiện, đồ nghề gắn bó mấy chục năm ông để lại cho 3 cậu con trai nối nghiệp. Ba người con trai ông Lịch là Nguyễn Văn Hưng (33 tuổi), Nguyễn Văn Hải (29 tuổi) và Nguyễn Văn Hòa (27 tuổi) cũng đều là những thợ lặn chíp chíp có tiếng trong Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông với hơn 150 thành viên.

Ông Lịch kể, sinh ra và lớn lên ở xóm nhà chồ dọc bờ sông Hàn, những năm sau khi đất nước thống nhất ông Lịch lặn sông Hàn để tìm phế liệu mưu sinh. Công cuộc tái thiết thành phố, gia đình ông được di dời lên bờ, bố trí đất tái định cư ở đường Nại Hiên Đông 7. Nhà đông con, lên bờ nhưng vẫn lấy sông làm chốn mưu sinh. Để rồi 3 đứa con trai lớn lên không việc làm lại theo cha nhảy xuống đáy sông Hàn.

“Đâu phải cứ ưng nhảy xuống sông là hốt tiền lên đâu. Chỉ cần anh không biết cách cột dây đai chì là chết như chơi. Dưới đáy sông cả chục mét, dân lặn chuyên nghiệp chỉ cần cảm nhận ống hơi đẩy vào miệng là biết được có sự cố gì để bung chì bơi lên. Gặp sự cố không bung đai chì ra kịp thì trong tích tắc là nguy hiểm tính mạng rồi”.

Ông Nguyễn Văn Lịch - Chủ tịch Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà

Ông Lịch nhớ lại, năm 2016, là thời điểm nghề lặn chíp chíp ở sông Hàn “sốt” nhất khi thương lái ào ạt thu mua nhập qua Trung Quốc với số lượng lớn. Dạo đó, người dân từ Hải Phòng, đến Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định rồng rắn kéo nhau ra sông Hàn để lặn.

Cả khúc sông Hàn đặc thuyền lặn chíp chíp xuyên ngày đêm. Thậm chí có người là tài xế lái taxi, thấy nghề lặn chíp chíp nguồn thu khủng nên cũng sắm đồ nghề nhảy xuống đáy sông. Bởi vì ham lợi nên dịp đó nhiều tai nạn đau lòng đã xảy ra vì dân lặn không có kinh nghiệm.

Ông Lịch bên chiếc đai chì nặng gần 20kg dùng để lặn dưới đáy sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Lịch bên chiếc đai chì nặng gần 20kg dùng để lặn dưới đáy sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Cũng năm đó, nhiều người từ nơi khác đến đầu tư hẳn máy cào để xúc hẳn xuống đáy sông đánh bắt kiểu tận diệt. Lo lắng cho kiểu đánh bắt này, anh em thợ lặn Nại Hiên Đông hô hào nhau lập Hội vạn lặn để tố giác, đấu tranh chống lại các đối tượng khai thác tận thu. Mọi người hợp lòng kiên quyết bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng cho sông Hàn. Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông ra đời từ đó, lấy ngày 20/7 hằng năm là ngày cúng nghề lặn trên sông Hàn.

Giã từ nghề lặn được 2 năm nay, thỉnh thoảng nhớ nghề, nhè hôm trời nắng ấm, ông Lịch vẫn đi lặn cùng con. Nhưng tuổi cao, ông không còn lặn lâu được như xưa nữa.

Trên cương vị Chủ tịch Hội vạn lặn, ông Lịch hằng ngày vẫn theo dõi tình hình đánh bắt trên sông Hàn, hễ có thông tin tàu từ nơi khác đến khai thác tận thu lập tức báo chính quyền can thiệp, xử lý. Điều mà Hội trăn trở hiện nay đối với dân lặn là giá thu mua thất thường, biến động từng ngày và tất cả đều phụ thuộc vào thương lái.

“Ba đứa con tôi, vào mùa hè lặn một ngày cả 100kg chíp chíp, không bán cho thương lái thì bán cho ai. Hôm nhiều người lặn chíp chíp nhiều thì giá thấp, ngược lại thì giá cao. Nếu có nhà máy, công ty đứng ra thu mua với giá niêm yết ổn định thì dân lặn được nhờ”, ông Lịch trăn trở.

(Còn nữa)

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/song-o-day-song-deo-chi-di-duoi-song-han-c46a1540773.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/song-o-day-song-deo-chi-di-duoi-song-han-c46a1540773.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống ở đáy sông: Đeo chì đi dưới sông Hàn