Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam học hỏi từ giáo dục STEM quốc tế và cộng đồng nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, có ảnh hưởng rộng đến nhiều đơn vị giáo dục trong nước. Từ đó cũng ghi nhận nhiều bài học mới cho cộng đồng thông qua triển khai trong bối cảnh, điều kiện riêng. Bài học rút ra cụ thể như sau:
Trao quyền cho những người tiên phong trong đổi mới và sáng tạo, hiểu đúng về giáo dục STEM để triển khai: Ban giám hiệu nhận thức sâu sắc về vai trò giáo dục STEM và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện những kế hoạch đổi mới. Giáo viên không ngừng học hỏi; trao quyền, đồng hành cùng học sinh, lấy việc học sáng tạo làm trung tâm.
Khai thác triệt để, hiệu quả mọi nguồn lực dạy học trong điều kiện hiện có, biến khó khăn thành cơ hội, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với nhiều loại vật liệu, từ tái chế đến thuê, mượn hay mua với số lượng tối thiểu. Tăng cường hợp tác với nhiều đơn vị để hỗ trợ cho học sinh. Khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ, cuộc thi khoa học, sáng tạo như một kênh học tập thú vị.
Đa dạng dự án học tập phù hợp với khung thời gian từ một vài tiết đến một vài tháng, từ tích hợp nội môn, xuyên môn đến liên môn.
Phát huy cao nhất năng lực của học sinh thông qua các nhiệm vụ có yêu cầu cần đạt chung nhưng cá nhân hóa vấn đề lựa chọn, sản phẩm và hình thức trình bày. Khuyến khích học sinh chủ động sáng tạo trong học tập, tham gia các kỳ thi khoa học kỹ thuật, chia sẻ kiến thức với cộng đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau như hội thảo trực tuyến, sự kiện trực tiếp, ngày hội khoa học, trại hè khoa học, khóa học miễn phí,…
Thành lập các nhóm giáo viên để triển khai hoạt động giảng dạy STEM, tổ chức các sự kiện về thi khoa học kỹ thuật, ngày hội kỹ thuật, tập huấn về giáo dục STEM, hướng dẫn các đội tuyển thi Robotic và khoa học, phụ trách các câu lạc bộ liên quan đến STEM, thi soạn bài giảng STEM, kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng giáo viên STEM, tập huấn cho giáo viên và học sinh các trường bạn và tỉnh ngoài…
Nghiên cứu về phương pháp dạy học STEM: Giáo viên đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp dạy học hiệu quả (truy vấn, thuyết học tập kiến tạo, dạy học qua dự án, đóng vai chuyên gia) phù hợp với đặc điểm học sinh phổ thông. Các phương pháp này giúp học sinh hứng thú, tích cực tham gia vào hoạt động STEM, từ đó phát triển các kỹ năng STEM.
Trường học là hạt nhân của hệ sinh thái giáo dục STEM: Phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để triển khai giáo dục STEM. Đơn vị giáo dục như trường đại học sư phạm và trường liên quan đến khoa học, công nghệ, toán của Việt Nam, nước ngoài; viện nghiên cứu, doanh nghiệp, trường nghề, làng nghề, bảo tàng, tổ chức/mạng lưới khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước; hội cha mẹ học sinh, hội cựu học sinh. Tổ chức các sự kiện liên quan đến giáo dục STEM thu hút học sinh, giáo viên, phụ huynh trong thành phố đến tham quan, trải nghiệm, trao đổi kiến thức.
Xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường gắn với giáo dục STEM và tiếp tục cập nhật về mục đích, lộ trình phát triển giáo dục STEM rõ ràng gắn với tầm nhìn và chiến lược phát triển quốc gia về giáo dục (kế hoạch 2030, tầm nhìn 2045).
Thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường THPT Việt Dũng (Cần Thơ): Chủ động tiếp cận cái mới
Thầy Trang Minh Thiên. Ảnh: NVCC |
Để triển khai hiệu quả giáo dục STEM với môn Công nghệ không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực tìm tòi, khám phá và tiếp cận cái mới của giáo viên bộ môn Công nghệ mà cần có sự chung tay của tổ/nhóm chuyên môn và nhà trường. Cụ thể như:
Nhà trường cần chú trọng tập huấn giáo viên kỹ thuật biên soạn Kế hoạch bài dạy bài học STEM. Đặc biệt chú trọng đến quy trình thiết kế kỹ thuật (EDP), kỹ thuật đặt vấn đề, câu hỏi phát triển tư duy và công cụ đánh giá.
Giáo viên cùng tổ bộ môn có thể thảo luận, đưa ra chủ đề, dự án để triển khai ở các lớp. Tổ bộ môn cần mạnh dạn đưa STEM vào phần kiểm tra, đánh giá thường xuyên/định kỳ để tăng thêm hứng thú, động lực học tập cho học sinh. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần ý thức nâng cao chuyên môn, đặc biệt không ngại khó khi tiếp cận STEM. Điều này vô cùng cần thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất để triển khai giáo dục STEM cũng không kém phần quan trọng. Ngoài triển khai các dự án STEM khoa học… bằng những vật liệu đơn giản để học sinh hiểu rõ bản chất vấn đề và thực hành vận dụng, cũng rất cần những trang thiết bị hiện đại để triển khai chương trình STEM Robotics ở các cấp học, giúp học sinh có năng khiếu, đam mê khám phá tiếp cận công nghệ hiện đại và định hướng nghề nghiệp cho tương lai.
Ở Việt Nam vấn đề lớn nhất của ngành GD-ĐT cần giải quyết là chuẩn bị nguồn nhân lực cho hiện tại và tương lai, đặc biệt cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Giáo dục STEM được công nhận rộng rãi trên thế giới là hướng đi đúng đắn cho vấn đề này. Từ năm học 2017 - 2018, giáo dục STEM được Bộ GD&ĐT đưa vào các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học và giáo dục STEM có một vai trò quan trọng trong Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, triển khai giáo dục STEM vẫn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành