Đánh giá về sự cố môi trường này, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) cho rằng, nước bùn thải quặng của nhà máy đã qua quá trình hóa lý nên có thể chứa kim loại nặng, hóa chất, axit, phụ gia...
“Những chất này khi thoát ra môi trường sẽ không có cách nào thu hồi và xử lý triệt để. Chúng sẽ nhanh chóng ngấm vào đất, nguy cơ nhiễm vào nước ngầm, một phần hơi độc phát tán vào không khí. Vô hình trung toàn bộ khu vực đất bị ô nhiễm biến thành “bể chứa chất thải mở rộng không có lớp nền chống thấm”, ông Sơn cho hay.
Về giải pháp khắc phục, theo ông Sơn, việc múc bỏ hàng triệu mét khối đất ô nhiễm đem đi xử lý khó khả thi. Chất thải tác động lâu dài đến môi trường đất và nước, do vậy chính quyền địa phương cần phải quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm để có phương pháp xử lý phù hợp.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, đây là sự cố môi trường nghiêm trọng vì bùn đuôi quặng phải được quản lý nghiêm ngặt, không được để tràn ra môi trường.
Do đó, ông Tùng cảnh báo rằng, cần phải triển khai các biện pháp ứng phó môi trường khẩn cấp như khoanh vùng, quan trắc chất lượng đất, nước để xử lý.