"Đồng nghiệp tôi ra nhà thuốc mua thuốc, người ta hỏi triệu chứng sau đó bán các loại thuốc rất cơ bản, dặn dò ăn uống đầy đủ bổ sung thêm Vitamin C, chỉ uống thuốc hạ sốt khi sốt thôi, tổng hóa đơn khoảng 200 nghìn đồng", anh Sang chia sẻ.
Ngoài ra, khi tìm trên mạng xã hội Facebook từ khóa "đơn thuốc điều trị F0", ngay lập tức trang mạng xã hội này hiện ra hàng chục tin bài với nhiều đơn thuốc khác nhau với một danh sách dài các loại thuốc. Các đơn thuốc này phần lớn được những người từng là F0 chia sẻ lại.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, việc F0 tự điều trị tại nhà và tự ý mua thuốc theo các đơn trên mạng có thể vừa lãng phí vừa gây ra các tác dụng phụ khiến bệnh trở nặng hơn.
"Trước hết, việc mua thuốc theo các đơn trên mạng có thể gây lãng phí. Người nhiễm COVID-19 có thể chưa cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, kháng viêm nhưng lại vô tình sử dụng, có thể gây tác dụng phụ. Trường hợp sử dụng quá nhiều loại thuốc cùng lúc cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Theo bác sĩ Khanh, đối với F0 điều trị tại nhà cần lắng nghe cơ thể mình, khi phát hiện có những triệu chứng nào thì chỉ nên dùng thuốc điều trị triệu chứng đó, tránh việc dùng theo các đơn thuốc của người khác chia sẻ lại.
Mới đây, đại diện Sở Y tế TP HCM cũng cho biết Thanh tra Sở sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán thuốc điều trị COVID-19, hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc để đầu cơ, găm hàng, tăng giá thuốc.
Hoạt động kiểm tra, tăng cường quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp và nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao.
Sở Y tế yêu cầu các nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc đúng cách. Thuốc bán phải có nguồn gốc hợp pháp, có hóa đơn chứng từ hợp lệ, kinh doanh đúng phạm vi được cấp phép. Thuốc bán theo dạng kê đơn phải có đơn thuốc hợp lệ, không đầu cơ tích trữ, bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai.