Tái đột quỵ do tự ý ngưng thuốc điều trị

VH | 28/10/2021, 15:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Người bệnh 56 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cấp cứu trong tình trạng chóng mặt, không nói và cử động được tay chân được.

Cách đây một năm, bệnh nhân bị đột quỵ và cấp cứu kịp thời. Sau đột quỵ, ông tuân thủ điều trị tốt, duy trì tập phục hồi chức năng, dần trở lại bình thường. Bốn tháng gần đây, sức khỏe ổn định, bệnh nhân tự ý ngưng thuốc và bỏ tái khám, tái phát đột quỵ. Do được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, cơn đột quỵ tái phát không để lại hậu quả nặng nề.

TS BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược (TPHCM) cho biết, trong giai đoạn phục hồi chức năng, bác sĩ sẽ chỉ định các nhóm thuốc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch…).

Đối với người bệnh đột quỵ có bệnh lý nền, bác sĩ sẽ cân nhắc thuốc điều trị đột quỵ sao cho không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nền. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều hoặc dùng thêm loại thuốc khác.

tai-dot-quy.png
Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ảnh: BVCC.

Bên cạnh đó, người bệnh cần được phục hồi chức năng thông qua các vận động trị liệu - vận động được tay, chân và những bộ phận bị mất vận động; âm ngữ trị liệu - phục hồi rối loạn ngôn ngữ và chức năng nuốt; hoạt động trị liệu - giúp người bệnh có thể tự ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc bản thân, hoà nhập cộng đồng.

Theo TS. BS. Nguyễn Bá Thắng, vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Nghiên cứu cho thấy, nếu không được cấp cứu kịp thời và hiệu quả, 25 - 30% người bệnh sau đột quỵ có thể tự đi lại, phục vụ bản thân; 20 - 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày; 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Trong quá trình phục hồi chức năng, người bệnh sẽ dễ gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý và cảm xúc. Người chăm sóc cần hiểu và thông cảm, an ủi, hỗ trợ người bệnh tận tình trong tập luyện, vận động. Điều này sẽ giúp phục hồi chức năng vận động và ổn định tâm lý cho người bệnh.

Người bệnh cũng cần có ý chí, quyết tâm, tinh thần lạc quan, tích cực tập luyện, vận động thì cơ hội hồi phục sẽ càng nhiều hơn. Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần giảm thực phẩm có nhiều đường bột, mỡ béo, mỡ động vật, các thức ăn có vị mặn. Nên tăng cường rau xanh, ưu tiên thịt trắng, hạn chế ăn thịt đỏ và nội tạng động vật.

Bài liên quan
TPHCM sử dụng thuốc Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà
(GDTD) - Molnupiravir là một trong những thuốc kháng virus giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái đột quỵ do tự ý ngưng thuốc điều trị