Điều này có thể cản trở sự phát triển cá nhân của họ. Ông Wang Fang - Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, lưu ý, những người như vậy cũng dễ bị lợi dụng tại nơi làm việc.
Zuo đã thấm nhuần tâm lý “điểm tốt, cuộc sống tốt đẹp” từ khi còn nhỏ. Lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, phía Tây Nam Trung Quốc, cô luôn khao khát sự chấp thuận của giáo viên. Ở trường cô, những học sinh đứng đầu luôn được yêu mến nhất. Trái lại, những đứa trẻ đạt điểm thấp bị chế nhạo không ngừng.
Năm 18 tuổi, Zuo thi vào một trường đại học tốt ở Bắc Kinh. Đây là một thành tích ấn tượng đối với một học sinh đến từ vùng nông thôn Quảng Tây. Song, khao khát thành công đầy ám ảnh của cô vẫn không hề nguôi ngoai. Trong suốt thời gian đại học, cô đã cố gắng hết sức, làm việc nhiều ngày và lấp đầy kỳ nghỉ của mình bằng các chương trình thực tập, học hè cũng như hoạt động khác.
Khi thất nghiệp, Zuo thường xuyên tự nói đến những chuyện tiêu cực. Cô thường xuyên thức đến 10 giờ sáng và tự hỏi mình đã làm gì sai. Không thể đối mặt với gia đình, cô tránh về nhà vào dịp nghỉ Tết. Thay vào đó, cô gọi điện cho bố mẹ và giáo viên để xin lỗi vì đã làm họ thất vọng.
Đôi khi, ảnh hưởng của “tâm lý sinh viên ngoan” có thể tồn tại ngay cả sau khi họ tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Zhang Liqun (25 tuổi) đến từ Thượng Hải, đã tìm được việc làm tại một công ty kế toán sau khi học xong đại học vào tháng 7. Song, anh vẫn cảm thấy cần phải làm hài lòng cấp trên. Sự khác biệt duy nhất bây giờ là anh đang phục vụ ông chủ của mình thay vì các giáo sư ở trường đại học.
Nhiều sinh viên Trung Quốc thất nghiệp sau khi ra trường. |
Tại nơi làm việc, Zhang cảm thấy buộc phải đồng ý với mọi yêu cầu. Anh thường đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn khả năng, thường xuyên làm ngoài giờ. Ngay cả sau khi về đến nhà, anh vẫn cảm thấy mình phải kiểm tra tin nhắn mỗi khi có thông báo.
“Trong tiềm thức, tôi liên tục đặt câu hỏi về hiệu suất của mình, so sánh bản thân với các đồng nghiệp. Tôi thấy thật khó để hiểu được ý nghĩa của thời gian rảnh rỗi. Tôi luôn cảm thấy cần phải học hỏi hoặc cải thiện bản thân để tránh lãng phí thời gian”, Zhang chia sẻ.
Tuy nhiên, suy nghĩ này không phải lúc nào cũng khiến giới trẻ Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Qi Siyu - Giám đốc nhân sự tại một công ty công nghệ có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, trong nền kinh tế ngày nay, một “sinh viên giỏi” thôi là chưa đủ để đảm bảo vai trò hấp dẫn.
Qi cho biết: “Mặc dù điểm cao và tuân thủ mệnh lệnh chắc chắn là những phẩm chất quan trọng, nhưng nhà tuyển dụng thường tìm kiếm một loạt kỹ năng rộng hơn khi xác định điều gì tạo nên một nhân viên hoặc ứng viên giỏi”. Theo Giám đốc Qi, điều đó có thể gây nản lòng cho những ứng viên tự coi mình là “sinh viên giỏi” nhưng nhận thấy rằng, thành tích của họ không nhất thiết được nhà tuyển dụng công nhận.
Trên thực tế, “tâm lý sinh viên tốt” thường có thể là trở ngại trong môi trường chuyên nghiệp. Bởi, nhân viên có thể nghĩ rằng, họ đang hoàn thành xuất sắc vai trò của mình bằng cách siêng năng làm mọi nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, người quản lý của họ có thể đang tìm kiếm điều gì đó hơn thế nữa.
Tại hệ thống giáo dục Trung Quốc, ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng, sự lo lắng của học sinh là một vấn đề nghiêm trọng. Dong - giáo viên tại một trường trung học cơ sở hàng đầu ở Thượng Hải, chia sẻ, “tâm lý học sinh ngoan” đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Những đứa trẻ hướng nội, cư xử tốt liên tục tìm kiếm lời khen ngợi và phần thưởng như một cách để nâng cao lòng tự trọng.
Xu hướng này đã khiến Dong và các đồng nghiệp thảo luận về việc liệu nhà trường có nên suy nghĩ lại chính sách cố gắng nuôi dưỡng tư duy “học sinh ưu tú” ở trẻ em hay không. Trường này đã tạo dựng được danh tiếng nhờ khả năng chuẩn bị cho sinh viên giành được một suất vào trường đại học ưu tú.
Tuy nhiên, hệ thống này khiến sinh viên chịu nhiều áp lực. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn cực kỳ cao của trường, người học có nguy cơ rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần.
Liu - nhà tâm lý học trẻ em cho biết, một số cựu “học sinh giỏi” sử dụng những phương pháp trực tiếp hơn để thể hiện sự nổi loạn, như nhuộm tóc hoặc xăm mình. Chuyên gia giải thích, đây là cách để những người trẻ tuổi khẳng định sự độc lập và báo hiệu rằng, họ bác bỏ các chuẩn mực xã hội.
Thực tế, một số “người tự do” vẫn đang tìm kiếm sự bình an thực sự hoặc một hướng đi rõ ràng. Theo chuyên gia Liu, cuộc nổi dậy chống lại “tâm lý học sinh giỏi” của những người này chỉ là khởi đầu cho một hành trình dài, đôi khi có thể kéo dài hàng năm trời. Song, nếu tập trung, cuối cùng, họ sẽ đạt được mục tiêu.
Theo Sixth Tone