“Không có gì thay đổi được những vấn đề mang tính cấu trúc gây xích mích cho quan hệ song phương”, Joseph Torigian, một chuyên gia về Trung Quốc tại ĐH Hoa Kỳ, nhận định.
Tại cuộc họp báo ngày 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói rằng bổ nhiệm ngoại trưởng là công việc của Trung Quốc, và cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhiều lần gặp ông Vương Nghị.
Việc Trung Quốc tái bổ nhiệm ông Vương Nghị vào vị trí ngoại trưởng có thể cho thấy Bắc Kinh muốn ổn định quan hệ với Mỹ trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp Tổng thống Joe Biden bên lề một số hội nghị thượng đỉnh cuối năm nay, như G20 ở Ấn Độ hay APEC ở Califonia.
“Với hàng loạt hội nghị quốc tế lớn đang đến gần, ông Tập có thể muốn bổ nhiệm người đã quen làm việc với nhiều đối tác nước ngoài. Trong giai đoạn bất định, Trung Quốc muốn sự ổn định và dễ đoán”, Rorry Daniels, giám đốc điều hành Viện Chính sách xã hội châu Á, nhận định.
Với hàng loạt vấn đề thách thức trong quan hệ Mỹ - Trung, vị trí của ông Vương Nghị trong đảng Cộng sản Trung Quốc có thể hữu ích với Mỹ.
Trong hệ thống của Trung Quốc, nhà ngoại giao cấp cao nhất không phải là ngoại trưởng, mà là trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng. Ông Vương Nghị vẫn tiếp tục giữ vị trí này.
Theo Jude Blanchette, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, việc ông Vương kiêm nhiệm thêm vị trí ngoại trưởng giúp Mỹ bớt đi một cấp phải làm việc.
Là một trong 24 thành viên Bộ Chính trị, ông Vương Nghị cũng là nhà ngoại giao có nhiều ảnh hưởng hơn ở Trung Quốc so với người tiền nhiệm.
Theo Reuters