Sửa Luật Đất đai: Cần sòng phẳng với dân khi thu hồi đất

26/06/2023, 07:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các đại biểu cho rằng thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng cần hết sức minh bạch, sòng phẳng với dân, tránh tạo điều kiện cho “lợi ích nhóm” thâu tóm đất.

Ông Tô Văn Tám đề xuất trường hợp này người dân góp vốn bằng đất hoặc khi định giá đất, người có đất bị thu hồi là một bên trong quá trình định giá. Trường hợp không thỏa thuận được, người bị thu hồi đất hoặc các bên có thể yêu cầu cơ quan tổ chức định giá độc lập.

“Nếu tiếp tục không thỏa thuận được thì nên yêu cầu tòa án giải quyết để tránh tình trạng giá nào cũng không chịu” - vẫn lời ông Tám.

Bổ sung trách nhiệm giải trình khi thu hồi đất

Nội dung khác được thảo luận sôi nổi liên quan đến các quy định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đây cũng là nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân.

Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành được thực tế chứng minh là phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.

Nội dung của chương cũng được bố cục lại kết cấu để đảm bảo tính logic, khoa học, tránh trùng lặp. Theo đó, chương gồm năm mục: Quy định chung; bồi thường về đất; bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh, chi phí đầu tư vào đất; hỗ trợ; tái định cư.

Nêu ý kiến, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng dự thảo luật cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.

Theo ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do vậy, Nhà nước thu hồi đất thì có quyền áp dụng cơ chế bồi thường theo ý chí của Nhà nước, thể hiện cụ thể trong phương án phê duyệt về bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Tuy nhiên, đối với tài sản trên đất là nhà ở, công trình xây dựng, rừng cây thuộc sở hữu của người dân, khi Nhà nước thu hồi phải thực hiện cơ chế thỏa thuận dân sự về bồi thường thiệt hại, không thể theo phương thức áp đặt hành chính.

Ngoài ra, ông Thạch Phước Bình cũng đề nghị bổ sung tại dự thảo “trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư”. Theo ông, quy định này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, thu nhập, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn của người dân có đất bị thu hồi theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; đồng thời đảm bảo giá đất, giá trị bồi thường khi thu hồi đất sát hơn với giá thị trường.

Trong khi đó, ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là giá đất bồi thường khi thu hồi đất. “Các vụ việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người bị thu hồi chủ yếu vì cho rằng giá đất, giá bồi thường quá thấp” - bà Châu nói. Bà cho hay giá đất do cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên bị người dân khiếu nại vì “không phù hợp với thực tế, không phù hợp với thị trường”.

Từ phân tích trên, nữ ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến phương thức xác định giá đất của phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu ý kiến đồng tình ý kiến báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề cập, là không quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện trong dự án luật. Thực chất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện chỉ mang tính chất tập hợp, tổng hợp thông tin, ít có tính khả dụng, rất mất thời gian và gây lãng phí nguồn lực.

Sửa luật phải xóa bỏ được tình trạng “quy hoạch treo”

Vấn đề luôn được người dân quan tâm là quy hoạch đã được lập, phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung của quy hoạch. Việc thực hiện chậm này không chỉ là năm năm, 10 năm, có khi là 20 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Sửa Luật Đất đai: Cần sòng phẳng với dân khi thu hồi đất - 2

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: Quochoi.vn

“Quy hoạch treo” không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Những cư dân trong khu vực quy hoạch treo sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, đi không được mà ở cũng không xong.

Sửa đổi Luật Đất đai cần có những quy định xác thực, rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này.

Tôi đề nghị nên bỏ tầm nhìn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, có thể chính xác hoặc không chính xác. Đó có thể là một tác nhân của quy hoạch treo…

ĐB TÔ VĂN TÁM (Kon Tum)

Theo (Pháp luật TPHCM)
https://plo.vn/sua-luat-dat-dai-can-song-phang-voi-dan-khi-thu-hoi-dat-post739444.html
Copy Link
https://plo.vn/sua-luat-dat-dai-can-song-phang-voi-dan-khi-thu-hoi-dat-post739444.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa Luật Đất đai: Cần sòng phẳng với dân khi thu hồi đất