"Liệu chúng ta có đang chỉ thay cái tên hay thực sự muốn thay đổi cả hệ thống?" – câu hỏi được nêu ra từ đầu phiên làm việc góp ý Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) như một lời cảnh tỉnh. Phiên họp do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức, đã không còn là một cuộc góp ý mang tính thủ tục, mà trở thành một diễn đàn, nơi những vấn đề cốt lõi nhất của hệ thống giáo dục nghề nghiệp được đưa ra mổ xẻ, thẳng thắn, không né tránh.
Từ lâu, chương trình trung cấp nghề dành cho học sinh sau lớp 9 đã bị coi là một khúc cua gập ghềnh trong phân luồng giáo dục. Vừa học nghề, vừa học bổ túc văn hoá – một mô hình chưa từng khiến học sinh cảm thấy mình được trân trọng như người học chính quy. Giờ đây, một cái tên mới – “trung học nghề” – được đưa ra với kỳ vọng sẽ xoá bỏ cảm giác “học tắt”, và thay vào đó là một mô hình tích hợp, chính danh.
Bà Nguyễn Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục, đặt vấn đề: “Liệu chỉ cần thay tên là đủ? 400 trường trung cấp hiện có sẽ chuyển sang mô hình mới ra sao? Có kịp chuẩn bị về chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất để vận hành từ đầu năm 2026 như luật dự kiến?”. Không đợi trả lời, bà tiếp lời: “Nếu không có lộ trình rõ ràng, chỉ vài tháng sau khi Quốc hội bấm nút thông qua, hệ thống sẽ lúng túng. Và lúc đó, người học vẫn là đối tượng phải chịu thiệt đầu tiên”.
Câu chuyện không chỉ nằm ở kỹ thuật lập pháp, mà là ở triết lý giáo dục. Chúng ta muốn đào tạo con người như thế nào? Trung học nghề có phải là con đường tử tế để bước vào đời, hay chỉ là một lối rẽ chật hẹp được dựng lên bằng ngôn từ?
Đại diện Ban soạn thảo – ông Trương Anh Dũng, Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp – khẳng định: dự thảo lần này sẽ sắp xếp lại hệ thống trình độ gồm sơ cấp, trung cấp, trung học nghề và cao đẳng, nhằm khắc phục tình trạng nhập nhèm giữa các mô hình cũ. “Trung học nghề” sẽ là lựa chọn chính sau lớp 9, còn “trung cấp” chỉ dành cho người đã tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nếu không làm rõ ràng, việc này sẽ dẫn đến đứt gãy trong phân luồng và liên thông. Không thể vừa tuyên bố học nghề là con đường song song, lại vừa ngầm sắp xếp nó ở vị trí thấp hơn, khó đi tiếp. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: "Giá trị trình độ có thể tương đương, nhưng cơ hội không thể là ảo. Luật phải mở ra cơ hội thật, không phải dựng một con đường đẹp rồi rào lại bằng điều kiện bất khả thi".
Một điểm yếu cố hữu của giáo dục nghề nghiệp là thiếu nền tảng pháp lý vững chắc về nhân sự. Ai được coi là giảng viên cơ hữu? Ai là thỉnh giảng? Ai có trách nhiệm, ai được hưởng quyền lợi gì? Trong khi nhiều trường hiện nay chỉ “mượn” người từ nơi khác để đủ điều kiện mở ngành, thì câu hỏi về trách nhiệm pháp lý, chất lượng giảng dạy vẫn còn bỏ ngỏ.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói rõ: “Chúng ta không thể coi người đang là công chức ở đơn vị khác là giảng viên chính thức chỉ vì họ dạy vài buổi một tuần. Cơ hữu phải là người được giao trách nhiệm thật sự. Còn không thì cứ gọi đúng là thỉnh giảng, đừng nhập nhèm”.
Ngay cả “hội đồng trường” – một thiết chế tưởng chừng quen thuộc – cũng đang đứng giữa ngã ba: giữ nguyên như luật cũ, hay chuyển đổi thành mô hình mới cho cả trường công và tư? Một hệ thống giáo dục không thể vận hành trơn tru nếu những thiết chế cốt lõi nhất vẫn còn đang dò đường.
Dự thảo lần này được đánh giá cao ở việc chính thức hoá khái niệm chứng chỉ nghề và công nhận kỹ năng tích luỹ – tức là học từng phần, tích luỹ dần để lấy bằng. “Học một năm có thể được chứng chỉ, rồi quay lại học tiếp. Đó mới là học tập suốt đời, là linh hoạt, là tôn trọng năng lực người học”, ông Sơn chia sẻ.
Ý tưởng này không mới, nhưng giờ mới có cơ sở để luật hoá, làm nền cho việc công nhận micro-credentials – một xu hướng đang lan rộng khắp thế giới. Nhưng chính ông Sơn cũng thẳng thắn: “Muốn làm được, cần truyền thông kỹ. Phải để xã hội hiểu mô hình trung học nghề là gì, học tích luỹ ra sao, chứ không thì khi luật ban hành, phản ứng sẽ rất dữ dội”.
Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp lần này được kỳ vọng sẽ “làm lại từ đầu”. Nhưng như một đại biểu đã nói thẳng: “Không phải cứ viết lại là xong. Quan trọng là viết có gắn với đời sống hay không”. Đổi mới không thể đến từ những dòng chữ vô cảm, xa rời thực tế. Nếu giáo dục nghề nghiệp muốn trở thành một lựa chọn nghiêm túc, có giá trị thật với người học, thì luật phải bắt đầu từ sự thật – sự thật của nhà trường, của doanh nghiệp, của người thầy và đặc biệt là của người học. Nếu không, tất cả sẽ chỉ là một cuộc làm mới hình thức, còn bản chất vẫn cũ kỹ, rệu rã.