Những vết thương trên cơ thể bé gái sau khi bị chó cắn
Trước đó, chị Trịnh Quỳnh Dung (mẹ bé H.A.) cho biết, vào khoảng 22h50, con gái chị bị chó dữ tấn công khi đang chơi cùng bạn trên vỉa hè cách nhà 50m.
Theo chị Dung, một bé gái khác may mắn chạy kịp, còn con chị bị chó cắn với nhiều vết thương trên cơ thể.
Nhìn thấy con gái chảy nhiều máu, chị Dung rất thương con và phẫn nộ. Chị đã đưa bé đến Bệnh viện Bắc Quang sơ cứu và chuyển cháu bé đến Hà Nội ngay trong đêm.
Lãnh đạo UBND thị trấn Việt Quang cũng xác nhận sự việc bé gái đang chơi trên vỉa hè bị một con chó lao vào tấn công. Sự việc xảy ra vào ngày 27/3, con chó đã cắn làm 4 người bị thương, trong đó có 3 trẻ em và 1 người lớn.
Theo vị lãnh đạo này, trong 4 người bị thương, con gái chị Dung bị nặng nhất, phải đưa đi Hà Nội điều trị. Lực lượng chức năng không xác định được con chó này của nhà nào vì nó chạy qua nhiều tổ dân phố.
Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, các bác sĩ khuyến cáo, khi nuôi chó, mèo, người nuôi cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông chó, vật nuôi ra đường, nếu chó, vật nuôi được dắt ra đường phải được đeo rọ mõm. Trẻ không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn. Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn. Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ. Dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. |