"Sức khỏe" của một trường học

Dương Cầm | 30/06/2022, 13:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Cũng giống như con người, nhìn bề ngoài “cao, to, đẹp...” có vẻ như là khỏe, nhưng chưa chắc đã khỏe! 

Trường học cũng như vậy. Thông thường, những trường có thành tích, ít có “sự vụ” thì được cho là “khỏe”. Do đó, hầu hết các trường học “đều không ốm”. Nhưng vì sao “đùng một cái” thì trường đó lại không khỏe?

Dùng tham chiếu để biết chất lượng

Với con người, chúng ta khuyên nhau đi khám sức khỏe. Sau tuổi 35 thì đi khám thường xuyên hơn tuổi 30, còn sau tuổi 40 thì còn thường xuyên hơn nữa. Chúng ta khám các bệnh thường gặp về máu, nội tạng, rồi tầm soát ung thư... Như vậy, trong một khoảng thời gian, chúng ta kiểm soát được cơ thể mình, vì thế, không dễ xảy ra chuyện “đùng cái” mắc bệnh. Trường học cũng như vậy, cũng cần khám bệnh thường xuyên. Nhưng đừng hiểu lầm với “báo cáo thường xuyên”. Nhiều hiệu trưởng lại tưởng rằng: “Tôi báo cáo đầy đủ”.

Sức khỏe cũng không đo bằng thành tích. Một lần nào đó tôi nói, thành tích “mũi nhọn” thường chỉ đại diện cho một nhóm, và không đại diện cho tất cả. Thế nên, ngay cả ở những trường có thành tích tốt thì vẫn có tiềm ẩn nguy cơ “ốm” rồi một ngày thành bệnh. Chúng ta có thể kể đến nhiều trường học trở thành vang bóng 1 thời.

Về mặt quản lí, các trường học có thể tự “kiểm tra” sức khỏe của mình bằng tham chiếu các tiêu chí “kiểm định chất lượng” của cơ quan quản lí (chẳng hạn: Thông tư số 18.2018/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học).

Nhưng vẫn cần nói đến tự chủ để bảo đảm sức khỏe.

- Trường học phải hiểu mục tiêu, sứ mệnh của mình, chứ không khoác lên mình những việc quá sức. Tức là, hãy làm tốt công việc mà mình cần làm cho đội ngũ, cho học sinh, cho giáo dục địa phương của mình chứ không phải “những chỉ tiêu” được áp xuống.

- Trường học phải tự chủ chương trình nhà trường của mình trên cơ sở phù hợp với “cơ thể của mình”. Tức là không áp đặt cứng nhắc những chương trình theo chỉ đạo, theo lối mòn... mà cần phải thay đổi để phù hợp với hiện tại. Nếu không đổi mới thì người giáo viên sẽ “cùn đi”, và họ sẽ không có động lực để KHỎE thật. Học sinh cũng vậy, học chỉ để thi, học bị ép... thì chắc hẳn sẽ có sự chống đối, có sự lãng phí năng lực. Không tự nhiên mà cả thế giới kêu gọi phải dạy học theo dự án, phải trải nghiệm... nhất là ở bậc trung học thì phải học với tinh thần định hướng nghề nghiệp, có thể học qua công việc.

- Trường học phải “tập thể dục” thường xuyên thông qua các môn thể thao “đội, nhóm” bằng cách hợp tác với phụ huynh, với xã hội để khiến cho trường học mở, trường học linh hoạt, trường học được thử sức trên đường đời. Trường học ngày nay không thể trốn khỏi yêu cầu ấy. Từ chối sự phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội, chỉ “độc diễn” đã khiến cho trường học “đơn độc” và gặp “những cơn ốm” thường xuyên hơn.

- Trường học phải chủ động nâng cao tay nghề cho đội ngũ, nâng cao điều kiện dạy và học chứ không chờ đợi. Thật đáng tiếc khi nhiều sự vụ xảy ra bắt nguồn từ những sự “bị động”. Không biết bao nhiêu trường đã lâu rồi:

+ Không tiến hành nghiên cứu bài học trên thực địa, để biết giáo viên đang ở đâu, tay nghề ra sao? Không khí chuyên môn của trường có đầy ắp trong bầu khí quyển? Hay chỉ là những trình diễn, nhưng mơ hồ, những làm lấy lệ.

+ Trang thiết bị có thể có nhiều, nhưng được sử dụng ra sao? Hay chúng ta cũng sẽ đổ bệnh ngay khi có “dịch” đến. (Dịch Covid-19 đã cho thấy rất nhiều nhà trường lúng túng, bộc lộ cơ sở hạ tầng “có” mà như “không” trước công nghệ, cả kĩ năng CNTT của giáo viên cũng thế)…

Rất nhiều điều khác nữa khi nói về “sức khỏe, bệnh tật” của một nhà trường. Vì giống như đi khám, chẳng có ai có chỉ số giống nhau, bệnh tật giống nhau. Nhưng chúng ta đều giống nhau ở ước mơ khỏe. Khỏe có thể chưa đẹp, nhưng sự bền bỉ, dẻo dai sẽ khiến ta dần có thần thái. Khỏe là yếu tố thuộc về bên trong. Trong mỗi cơ thể, sự hài hòa, sự phù hợp giữa “đầu óc, chân tay...” sẽ khiến cơ thể không bị lệch lạc, sẽ khỏe khi cân bằng. Trường học, dù ở thành phố hay hải đảo, rừng xa cũng đều cần khỏe.

Nhìn từ một trường học về đích sớm

Thùy Dương nhà tôi đã được nghỉ hè. Hàng xóm thấy thế cứ bảo con tôi “sướng”. Dương Cầm cũng ganh tị, vì sao chị Dương được nghỉ mà con chưa được nghỉ? Vừa nãy Thùy Dương còn reo mừng thông báo: “Hình như trường con về đích sớm nhất toàn quốc đấy mẹ ạ!”.

Chẳng biết là hữu duyên thế nào mà lúc tôi mở Facebook ra, có đến mấy tin từ đồng nghiệp, họ bảo, nếu có điều ước thì họ sẽ ước “được nghỉ hè sớm”.

Tại sao chỉ có trường của con tôi được nghỉ hè sớm? Có ai cấm cản chuyện “về đích” sớm hay không? Chắc là không, vì nếu có thì trường của con tôi đã không được nghỉ rồi.

Vậy vì sao trường đó lại về đích sớm?

- Họ tự chủ. Họ dám làm những việc cần thiết phù hợp và được phép. Họ không làm ứng phó.

Chuyện ứng dụng CNTT trong nhà trường chẳng có gì là mới. Cũ cả hàng chục năm ấy chứ. Nhưng thực tế hầu hết các trường làm nửa vời, ngay cả các trường tư. Nhận thức của chúng ta cũ đến mức nếu không bắt phải thay đổi thì cứ như cũ mà làm hoặc có cải thiện thì chỉ là làm tốt các tiêu chí cũ. Thế cho nên CNTT vẫn cứ chỉ là thứ “trình diễn”. Cho đến khi “bắt” vào tình thế thì chúng ta có làm, nhưng vẫn chỉ là học và chưa về được đích “như trường nhà người ta”.

- Bài học cho năm học sau, tôi tin là rất nhiều trường sẽ ứng dụng CNTT, để chương trình nhà trường có thêm một phương pháp thực hiện, dù có dịch, dù có biến cố gì thì nó cũng được dùng, không phải để thay thế, mà là làm tốt hơn các phương pháp hiện có.

- Tôi cũng biết một vài trường cấp 3, họ đã thu xếp để được nghỉ thứ 7 cho toàn bộ trường khi hiệu trưởng đã tự xây dựng chương trình nhà trường cho mình. Nghĩa là, “hai ngày nghỉ cuối tuần” cũng là thứ không xa xỉ với nhà giáo.

Tự chủ, tự thay đổi trong khuôn khổ, “đất” vẫn rất rộng cho mỗi chúng ta, mỗi nhà trường, để chúng ta cán một đích mới, so với chúng ta cũng rất ý nghĩa (chứ không nên mong cầu một biến cố xảy ra để gắng gượng).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Sức khỏe" của một trường học