Sức khỏe sinh sản vị thành niên: Không vẽ đường 'hươu' vẫn chạy

18/11/2023, 08:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong bối xã hội 4.0, có nhiều nguồn thông tin nhưng việc tiếp cận tin chính xác về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn của HS còn hạn chế...

Chủ động trang bị cho học sinh kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên góp phần tránh các nguy cơ đáng tiếc như quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lây nhiễm HIV…

Không thể chủ quan

Theo Chi Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, tại địa phương, tình trạng mang thai sớm và nạo phá thai ở học sinh ngày càng gia tăng do lứa tuổi vị thành niên nhiều biến đổi về tâm sinh lý, nhu cầu tình dục với người khác giới xuất hiện…

Trong bối xã hội 4.0, có nhiều nguồn thông tin nhưng việc tiếp cận tin chính xác về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn của học sinh còn hạn chế. Em Mùa Thị Sua - học sinh lớp 9, huyện Krông Bông chia sẻ, chưa từng nghe mẹ hay thầy cô chỉ cho biết các vấn đề về dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt.

“Em có xem thông tin về giới tính, tình yêu qua điện thoại. Thấy cảnh hôn nhau em ngại lắm. Không biết, hôn có thai hay không. Mẹ em có lần nói, để con trai cầm tay cũng có thai. Hôm đi sinh hoạt hè, có bạn trai cầm tay khiến em sợ lắm”, Sua lo sợ nói.

Không giống Sua, một nữ sinh lớp 11 (xin được giấu tên) tại TP Buôn Ma Thuột thừa nhận, em lỡ quan hệ với bạn trai vào đợt đi sinh nhật bạn. “Bạn trai nói với em, tình yêu mà không có tình dục thì không gọi là yêu. Em từ chối không được, nên đồng ý. Sau đó bạn trai mua thuốc tránh thai cho em uống. Giờ em vẫn lo sợ mẹ phát hiện”, nữ sinh này nói.

Trao đổi về vấn đề này, Trịnh Ngọc Thanh Tú – học sinh lớp 11A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột) bày tỏ: “Tình yêu và tình bạn ở tuổi học đường cũng thú vị. Nhưng em được biết, ở tuổi vị thành niên, nếu để mang thai khi cơ thể chưa phát triển hết sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con.

Đặc biệt, khi vượt quá giới hạn trong tình yêu còn ảnh hưởng đến kết quả học tập và tương lai sau này. Ở trường, thầy cô môn Sinh học giúp chúng em hiểu sự phát triển, hoạt động của bộ phận cơ thể và ở từng độ tuổi. Với môn Ngữ văn, thầy cô lồng ghép các bài học bằng trải nghiệm thực tế để học sinh dễ hiểu, tránh những suy nghĩ, hành động lệch lạc, chưa phù hợp”.

Cùng quan điểm, nữ sinh Như Phúc – lớp 11A10, Trường THPT Lê Quý Đôn khẳng định: “Tình yêu học trò không sai trái, nhưng học sinh phải luôn biết điểm dừng ở đâu. Nếu bạn nam có ý muốn đi xa, cần suy nghĩ về mối quan hệ này để không đánh đổi tình dục lấy tình yêu mù quáng”.

Học sinh TP Buôn Ma Thuột tìm hiểu thông tin về SKSS vị thành niên qua tờ rơi của ngành y tế. Ảnh: Thành Tâm
Học sinh TP Buôn Ma Thuột tìm hiểu thông tin về SKSS vị thành niên qua tờ rơi của ngành y tế. Ảnh: Thành Tâm

Hiểu biết đủ, hành động đúng

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Vũ Thị Thanh Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho rằng, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, cung cấp đầy đủ thông tin về SKSS cho học sinh.

TS Hiển đặc biệt lưu ý: Xưa nay, phụ huynh thường e dè, ngại ngùng vấn đề giáo dục giới tính cho con. Tâm lý chung là sợ vẽ đường cho “hươu” chạy. Vì vậy, nhà trường và xã hội cần giúp các bậc làm cha, mẹ thay đổi nhận thức, cách nhìn trong vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính…

“Bố, mẹ không dạy thì các con cũng tìm thông tin từ các nguồn không chính thống, những định hướng trên mạng xã hội… dẫn tới lệch lạc trong ứng xử, suy nghĩ. Thậm chí, hậu quả của việc tự tìm tòi mà không có kiến thức căn bản về sức khỏe sinh sản lại nguy hiểm gấp bội phần. Dó đó, gia đình và thầy cô cần chủ động giáo dục vấn đề mà vẫn cho là tế nhị, bởi không vẽ đường thì ‘hươu’ vẫn chạy”, TS Hiển nêu.

Chung quan điểm về vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản và giới tính cho học sinh, cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột) cũng khẳng định, cùng với dạy chữ, nhà trường chú trọng trang bị cho học sinh kỹ năng sống, tự chăm sóc và bảo vệ bản thân trước điều xấu.

“Đây là vấn đề nhạy cảm, học sinh ở độ tuổi tò mò, một số thầy cô lại ngại ngùng khi nói về chủ đề này. Vì vậy, từ đầu năm học, nhà trường đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa”, cô Hương nói.

Theo kế hoạch giáo dục năm học 2023 - 2024 của Trường THPT Lê Quý Đôn, bộ phận y tế chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về tâm lí học đường, kiến thức giới tính và giải đáp thắc mắc liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Đoàn Thanh niên nhà trường tổ chức các hoạt động, trò chơi nhằm phát triển thể chất, tinh thần học sinh. Giáo viên một số bộ môn có trách nhiệm lồng ghép nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản vào từng chủ đề, bài dạy trên lớp.

“Nhà trường hướng tới mục tiêu không chỉ nâng cao trình độ học vấn mà còn chú trọng phát triển thể chất. Qua các chuyên đề, chúng tôi giúp các em thấy được sự thay đổi cơ thể qua từng giai đoạn, lứa tuổi; vai trò của tình bạn đẹp, tình yêu học trò trong sáng là động lực để học sinh phát triển toàn diện.

Đồng thời, chỉ cho học sinh thấy tác hại của việc vượt quá giới hạn trong tình yêu, có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Từ đó, giúp các em nâng cao hiểu biết, có ý thức, hành động đúng trong các mối quan hệ ở lứa tuổi học trò”, cô Hương phân tích.

Bố mẹ hàng ngày gần gũi, trò chuyện, quan sát được sự thay đổi về cơ thể, tâm sinh lý của trẻ là việc cần làm. Nếu ngại nói thẳng những vấn đề về giới tính, sức khỏe sinh sản… bố mẹ có thể mua sách giải đáp cho con tìm hiểu.

Điều quan trọng là chỉ cho các em thấy những kiến thức, biểu hiện cơ bản của cơ thể như xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt ở bé gái, xuất tinh lần đầu ở bé trai… là bình thường. Giữa bố mẹ và con cần chia sẻ, hiểu nhau để có thể phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin vị thành niên; những nguy cơ các em phải đối mặt khi cố tình quan hệ tình dục, nhiễm HIV, nạo phá thai… - TS Vũ Thị Thanh Hiển

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức khỏe sinh sản vị thành niên: Không vẽ đường 'hươu' vẫn chạy