Đầu năm 2021, Trung tâm tình báo không gian quốc gia của Không quân Mỹ phân loại Burevestnik là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, có khả năng hạt nhân và đang trong giai đoạn phát triển nhưng tầm bắn chưa xác định.
Cũng có một số đồn đoán rằng tên lửa Burevestnik cũng có thể được phóng đi từ tiêm kích MiG-31 BM của Nga, theo tổ chức NTI. Đây là biến thể của máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31 được dùng để phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal. Tên lửa Kinzhal cũng được ông Putin công bố năm 2018 và đã được triển khai rộng rãi tại Ukraine.
“Chương trình này là một trong những vũ khí tuyệt vời của ông Putin, được cho là sẽ mang lại cho Nga lợi thế công nghệ so với phương Tây” – nhà nghiên cứu Fabian Hoffmann tại ĐH Oslo (NaUy) nhận định.
Theo truyền thông Nga, Burevestnik sử dụng nhiên liệu rắn, động cơ sẽ đẩy tên lửa trong quá trình bay và làm nóng không khí xung quanh lò phản ứng hạt nhân lên tới 1.600 độ C để đẩy tên lửa.
NATO cũng suy đoán tên lửa có một lò phản ứng hạt nhân nhỏ để đưa nó tới mục tiêu, dù không rõ là nó sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) hạt nhân hay động cơ turbo hạt nhân.
“Bất luận đó là động cơ gì, người ta cho rằng tên lửa Burevestnik có thể bay với vận tốc cận âm, duy trì độ cao 50-100 m trong hầu hết quá trình bay và bao phủ khoảng cách 20.000 km” – báo cáo của NATO kết luận.
Hãng tin Reuters cho rằng Burevestnik bay ở độ cao này sẽ khiến nó khó bị radar phòng không phát hiện.
Điều gì khiến Burevestnik khác biệt với các loại tên lửa thông thường?
Tổ chức NTI cho biết Burevestnik khác biệt so với các loại tên lửa thông thường ở hệ thống đẩy hạt nhân. Động cơ này giúp tên lửa có tầm bắn xa hơn nhiều so với động cơ tuốc bin phản lực luồng (turbojet) truyền thống hay động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt (turbofan) vốn bị giới hạn lượng nhiên liệu mà chúng có thể mang theo.
Động cơ đẩy hạt nhân của Burevestnik cho phép tên lửa bay trong không trung trong nhiều ngày nếu cần. Khi hoạt động, Burevestnik sẽ mang theo đầu đạn hạt nhân, bay khắp toàn cầu ở độ cao thấp, tránh hệ thống phòng thủ tên lửa và thả đầu đạn theo một quỹ đạo khó đoán, NTI cho biết.
Siêu ngư hôi hạt nhân Poseidon của Nga. Ảnh: Military -Today.com
Reuters cho biết việc phát triển bộ phận đẩy hạt nhân của tên lửa là thách thức lớn nhất về mặt kỹ thuật. Năm 2019, ít nhất 5 chuyên gia hạt nhân Nga đã thiệt mạng trong một vụ nổ và phát thải phóng xạ trong một cuộc thử nghiệm ở Biển Trắng. Tình báo Mỹ nghi ngờ đây là một phần trong cuộc thử nghiệm tên lửa Burevestnik.
Một báo cáo năm 2020 của Trung tâm tình báo không gian quốc gia của Không quân Mỹ cho rằng nếu Nga thành công đưa tên lửa Burevestnik vào sử dụng, điều này sẽ mang lại cho Moscow một vũ khí độc nhất với khả năng xuyên lục địa.
Giới chuyên gia phương Tây từ lâu đã đặt ra câu hỏi liệu Burevestnik có thực sự được đưa vào sử dụng hay không. Năm 2019, tổ chức NTI suy đoán việc triển khai có thể phải mất 10 năm nữa.
Cũng theo tổ chức NTI, việc phát triển tên lửa hạt nhân Burevestnik cũng như các hệ thống chiến lược mới khác của Nga có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington về một hiệp ước thay thế có thể cho hiệp ước NEW START nhằm hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên có thể triển khai. Tương lai của NEW START vẫn còn là dấu hỏi khi Nga ngừng tham gia hồi tháng 2. Hiệp ước sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.