Sụt cân vì thức khuya, bỏ bữa khi ôn thi vào lớp 10

12/05/2023, 10:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời điểm nước rút ôn thi vào lớp 10, nhiều học sinh bị căng thẳng, sụt cân do thường xuyên thức khuya, bỏ bữa để tận dụng thời gian học bài.

on thi vao 10 anh 1

Học sinh căng thẳng, lo lắng về kỳ thi tuyển sinh vào 10. Ảnh minh họa: Tutor Doctor.

Một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) sẽ chính thức diễn ra. Khoảng thời gian này, T.B. - học sinh lớp 9 ở Bình Phước - đã gặp rất nhiều khó khăn do em luôn cảm thấy chưa đủ tự tin để thi tuyển vào lớp 10 chuyên Văn của trường.

B. thường xuyên thức khuya học bài với mong muốn học càng nhiều kiến thức càng tốt. Nữ sinh cũng không còn giữ chế độ ăn uống đầy đủ, thay vào đó, em bỏ bữa nhiều hơn, vì vậy B. đã bị sút cân, mệt mỏi.

Bỏ bữa sáng, học bài đến 3h

Chia sẻ với Zing, B. cho biết em đang học thêm môn Toán, Tiếng Anh và Ngữ văn (chuyên) để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Một ngày, B. sẽ dành 4 tiếng để tham gia lớp học thêm vào buổi chiều và tối. Buổi trưa và đêm, B. tự học lại kiến thức.

Với lịch trình này, một ngày ôn thi vào lớp 10 của B. thường bắt đầu từ 9h30 đến 3h sáng hôm sau. B. chỉ dành ra 2 tiếng nghỉ trưa/ngày.

"Hôm nào em cũng học đến 3h, khi ngủ dậy cũng đã gần trưa nên em không ăn sáng mà ăn trưa luôn. Bây giờ là khoảng thời gian nước rút để ôn tập kiến thức nên em hơi bỏ bê bữa sáng, trước đó em vẫn ăn sáng bình thường", B. nói.

B. cho biết em thường xuyên thức khuya học bài là đây vì thời điểm yên tĩnh, mát mẻ. Ban đêm, B. có thể học bài trong hơn 4 tiếng đồng hồ, ngược lại, buổi sáng, B. chỉ tập trung học được dưới 3 tiếng.

Mỗi đêm, B. sẽ dành 2-3 tiếng để học thuộc các kiến thức cần ghi nhớ của môn Ngữ văn. Thời gian còn lại, B. làm đề tiếng Anh hoặc tìm thêm các công thức giải Toán.

"Mẹ có khuyên em ngủ sớm hơn nhưng giờ em chỉ thấy mình hợp với việc học đêm thôi. Mỗi khi học xong, đặt lưng xuống giường là em ngủ liền một mạch tới sáng. Em cũng lo cho sức khỏe của mình vì ngủ dậy em luôn thấy mệt mỏi. Em còn bị sụt một kg trong thời gian nước rút này", B. kể.

Cách duy nhất mà B. quan tâm đến sức khỏe của bản thân chính là ngủ bù mỗi khi có thời gian rảnh. Theo B. chỉ cần em cố gắng ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ tránh bị mệt mỏi. B. cũng không thường xuyên uống cà phê vì sợ sẽ lạm dụng và ảnh hưởng đến dạ dày.

Tương tự B., Yến Vy học sinh lớp 9 ở Bình Phước cũng thường xuyên thức khuya học bài để ôn thi vào lớp 10. Vy không thi vào trường chuyên của tỉnh nhưng thời gian này em cũng rất căng thẳng vì lịch học dày đặc.

Vy đang học thêm 3 môn Toán, Tiếng Anh và Ngữ văn. Hiện tại, tất cả buổi tối trong tuần và 2 buổi sáng Vy đều đi học thêm. Buổi tối, Vy học từ 17h30 đến hơn 20h. Sau đó, nữ sinh trở về nhà, soạn sách vở và tự học. Mãi đến hơn 0h, Vy mới chuẩn bị đi ngủ.

Thức đêm học bài thường xuyên nên Vy khó ngủ hơn. Đêm nào em cũng trằn trọc một khoảng thời gian dài vì lo lắng số lượng bài tập mình đã thực hiện quá ít, sợ làm không kịp để nắm vững kiến thức trong khi kỳ thi lại đang đến gần.

Việc thức khuya cũng khiến Vy không thể dậy sớm vào sáng ngày hôm sau. Trước đây, buổi sáng nào, Vy cũng dậy sớm để ăn bánh mì, bánh canh hoặc bún... Còn hiện tại, em chỉ uống sữa vào buổi sáng. Theo Vy, việc uống sữa sẽ giúp em vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đảm bảo không bỏ bữa sáng.

Các bữa ăn còn lại trong ngày, Vy thường ăn cơm với gia đình. Tuy nhiên, khi có lịch học hoặc cần phải thực hiện bài tập gấp, Vy sẽ ăn mì tôm hoặc "ăn đại món nào đó". Nữ sinh cũng ăn và uống các thực phẩm có nhiều đường để giúp bản thân tỉnh táo hơn.

"Ba mẹ vẫn hay nhắc nhở em ăn uống đầy đủ mới có sức học bài, em cũng dặn lòng sẽ ăn uống đầy đủ rồi nhưng không làm được. Bây giờ điều em quan tâm nhất là ôn thi để trúng tuyển vào trường em đã đặt nguyện vọng thôi", Vy nói.

on thi vao 10 anh 2

Yến Vy thường xuyên thức đến gần 0h để làm bài tập. Ảnh: NVCC.

Học sinh sẽ bị thiếu chất nếu thường xuyên bỏ bữa

Trước tình trạng học sinh bỏ bữa sáng, thức khuya học bài khi ôn thi vào lớp 10, bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) thông tin bữa sáng là bữa ăn rất quan trọng, cung cấp năng lượng cho cơ thể học tập và lao động suốt cả ngày. Khi ăn gộp 2 bữa (bao gồm bữa sáng và bữa trưa), sĩ tử vẫn bổ sung được năng lượng cho cơ thể nhưng không tốt bằng việc ăn sáng đầy đủ.

Bác sĩ Hào cho biết thêm trong trường hợp các em uống sữa thay bữa sáng, cơ thể sẽ bị thiếu chất do thức uống này không chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra năng lượng.

"Đôi khi vì thức đêm, một số học sinh sẽ lạm dụng các chất kích thích như cà phê, nước tăng lực, đồ uống có đường để giúp bản thân tỉnh táo, nhưng đây đều là những đồ uống 100% sẽ gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng lâu dài. Chúng cũng có rất nhiều tác hại kèm theo", bác sĩ Hào nói.

Theo bác sĩ Hào, tác hại của thói quen thức khuya học bài là cơ thể sẽ không đủ tỉnh táo hoặc mệt mỏi, lờ đờ vào buổi sáng sớm do ban đêm ngủ không đủ. Bên cạnh đó, các thức uống như đồ uống có đường, nước tăng lực chứa nhiều đường, có thể gây hại thêm cho sức khỏe của học sinh.

"Các thức uống này chứa nhiều năng lượng rỗng, chỉ cung cấp năng lượng tức thời chứ không chứa nhiều dinh dưỡng. Việc uống đồ uống này lâu dài có thể khiến các em thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể và quá trình học tập", chuyên gia này chia sẻ.

Bác sĩ Hào khuyên rằng trong thời điểm ôn thi nước rút, học sinh cần bổ sung nhiều năng lượng hơn bình thường để có sức học tập. Các em nên sử dụng thêm các chế phẩm từ sữa như bơ, phô mai, các loại trứng, rau xanh trong chế độ ăn.

Phụ huynh có thể cho các em sử dụng thêm thực phẩm chức năng như vitamin D, magie, kẽm và vitamin K2 để hỗ trợ cho trí nhớ, giúp các em ghi nhớ kiến thức lâu hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sụt cân vì thức khuya, bỏ bữa khi ôn thi vào lớp 10