Các trường học tại TPHCM đều có tiết đọc sách riêng dành cho học sinh.
Thực tế cho thấy, đa số tác phẩm giới thiệu vào nhà trường bảo đảm chất lượng, phù hợp tiêu chí theo quy định, tuy nhiên, đôi lúc có cuốn sách bất cập về nguồn gốc và thẩm định nội dung.
Vừa qua việc Trường Quốc tế TPHCM phát cho học sinh lớp 11 tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của tác giả Ocean Vuong có câu văn miêu tả về tình dục đã khiến nhiều phụ huynh bất bình. Theo thông tin của trường, sách thuộc danh mục đọc tham khảo, gồm nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt, do Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) giới thiệu. Sau vụ việc, trường thu hồi sách, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị thẩm định lại ấn phẩm.
Võ Thư Anh - học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Quang Khải (TPHCM) và bạn cùng lớp khi đọc đến những câu văn trong sách đều cảm thấy ngượng ngùng. “Một tác phẩm văn học hay được nhiều giải thưởng và đánh giá cao không có nghĩa phù hợp với tất cả học sinh”, Thư Anh nói.
Ở góc nhìn ngược lại, Nguyễn Trần Tuấn Khôi - học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo (TPHCM) đã đọc hết sách và chia sẻ: “Việc đọc sách và cách nhìn nhận nội dung của mỗi người khác nhau. Nhiều bạn đọc và thấy cái hay trong văn chương, câu chữ, hiểu nội dung truyền đạt. Nhưng có bạn chỉ tập trung vào những đoạn gợi tình đồng giới, có thể dẫn đến suy nghĩ trải nghiệm theo sách”, Khôi nói.
Về phía phụ huynh, phần lớn mong muốn nhà trường chọn sách với nội dung ý nghĩa nhân văn dành cho học sinh và phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Chị Đinh Thu Hằng (quận Thủ Đức, TPHCM) nêu quan điểm, sách học sinh tự mua, tự đọc thì trách nhiệm thuộc về bản thân và gia đình, nhưng khi trường chủ động mang sách cho học sinh đọc, có vấn đề gì thì lỗi thuộc về trường trước tiên.
“Văn hóa chúng ta khác phương Tây, đọc qua vài trang sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, tôi thấy chưa phù hợp với học sinh Việt Nam. Hiện, thị trường có nhiều sách hay cho các em để truyền cảm hứng, lòng yêu nước, ý nghĩa nhân văn, chứ không cần thiết sách có những đoạn mô tả về tình dục”, phụ huynh Nguyễn Thành Luân (Quận 3, TPHCM) nêu ý kiến.
Học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Cao Bá Quát đọc một tác phẩm văn học tại Đường Sách TPHCM. |
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Minh Phương (TPHCM), trong giai đoạn cá tính và nhận thức của trẻ dần hình thành, sách chứa nội dung không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, nhận thức và hành vi. Việc tiếp xúc với nội dung bạo lực, ngôn từ tục tĩu, hình ảnh nhạy cảm cũng có thể dẫn đến lệch lạc trong tư duy, cảm xúc và suy nghĩ.
Cho rằng, lằn ranh giữa giáo dục và phản cảm rất mong manh trong hoàn cảnh văn hóa các nước châu Á, thầy Võ Kim Bảo - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) nêu quan điểm: Để phân biệt phải nhìn nhận từ động cơ, mục đích của đối tượng có liên quan, cụ thể là người viết và người đọc. Việc tiếp thu các giá trị văn hóa thế giới cũng cần có sự chọn lọc phù hợp với môi trường giáo dục trong trường học.
Ở lứa tuổi học sinh, giới thiệu đến các em một tác phẩm hay nhưng chưa phù hợp có thể mang tác dụng ngược, khơi gợi những cảm xúc, sự tò mò để tìm và “tiêu thụ” các sản phẩm văn hóa có nội dung không lành mạnh. Thầy Bảo nhận định: “Khi sử dụng các tài liệu liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn phục vụ cho chương trình mới, thầy cô cần có những tiết dạy về tâm lý, ý thức, tầm quan trọng của nó trước khi dạy và cung cấp tài liệu cho học sinh. Các em cần được chuẩn bị tâm thế nghiêm túc, có ý thức học tập trước khi trực tiếp học và cầm trên tay các tài liệu về vấn đề này”.
Có cái nhìn cởi mở và thẳng thắn, thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) cho rằng, trong thế kỷ 21, khi khoa học phát triển, Internet phủ đến mọi nhà, không có môi trường an toàn tuyệt đối cho việc đọc của học sinh. Quan điểm của các em về các vấn đề tình dục, tình yêu đồng giới... cũng đa chiều, cởi mở hơn thế hệ trước.
Ở những tiết học về giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên hay an toàn tình dục, học sinh THPT có thể bắt đầu được tiếp cận với những tác phẩm văn chương có yếu tố tình dục với sự hướng dẫn hoặc gợi mở của các nhà văn hoặc chuyên gia tâm lý.
“Trước đây, có cuốn sách chúng ta coi là kiệt tác thì một số người gọi là dâm thư. Điều này cho thấy, việc đánh giá hay nhìn nhận phụ thuộc vào văn hóa thời đại, góc nhìn, trình độ văn hóa thẩm định, cảm thụ mỗi người”, thầy Đức Anh nói.
Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng, do tiếp xúc các phương tiện công nghệ thông tin giải trí tốt hơn nên hiểu biết về tâm sinh lý học sinh lứa tuổi 16 - 18 rất khác so với ngày xưa. Tuy vậy, khi còn là học sinh vẫn có những giới hạn nhất định. Nhà trường cần có nguyên tắc và tiêu chuẩn rõ ràng; các cuốn sách đưa vào trường phải được thẩm định, đảm bảo hài hòa các yếu tố về giáo dục nhân văn, ý nghĩa.
“Trường hợp trong cuốn “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” có các yếu tố về sex, thì hội đồng nhà trường phải cân nhắc phù hợp hay không. Chúng ta không nên nói tình dục không phù hợp với lứa tuổi 16 - 18. Cần xem mức độ phù hợp thế nào, nội dung nào được và không sử dụng phải rõ ràng, áp dụng cho các ấn phẩm khác không riêng gì tác phẩm trên”, ông Việt nói thêm.
Ngày 3/5, Sở GD&ĐT TPHCM phát đi yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát, thận trọng trong hoạt động giáo dục có sử dụng tài liệu, sách không phải sách giáo khoa trong nhà trường. Việc lựa chọn tài liệu tham khảo phải tuân theo hướng dẫn của Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ GD&ĐT về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.