Bây giờ bạn sẽ thấy rằng cần thắc mắc xem tại sao các hành tinh thì không nhấp nháy. Chẳng phải ánh sáng từ chúng cũng đi qua khí quyển hay sao?
Câu trả lời nằm ở kích thước biểu kiến của chúng!
Các sao là những vật thể rất lớn so với các hành tinh, nhưng chúng ở quá xa (đừng quên, ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất đã cách tới 4 năm ánh sáng). Vì thế từ Trái Đất, chúng ta nhìn thấy chúng chỉ là một điểm sáng duy nhất. Điểm sáng đó dễ dàng nhấp nháy vì hiện tượng như nêu trên.
Trong khi đó, các hành tinh ở gần hơn rất nhiều. Chúng xuất hiện dưới dạng một đĩa sáng có kích thước, chẳng qua chúng đủ nhỏ để bạn khó nhận thức được bằng mắt thường. Bạn có thể kiểm chứng bằng cách dùng kính thiên văn. Một chiếc kính chỉ phóng đại 20 tới 30 lần cũng đủ để bạn thấy các hành tinh dưới dạng một đĩa có độ sáng ổn định, trong khi các ngôi sao thì dù có phóng đại hàng trăm lần cũng chỉ là những điểm sáng không hơn (dù chúng có vẻ trở thành một điểm sáng lớn hơn một chút).
Mặc dù ánh sáng từ mỗi điểm của hành tinh vẫn có sự dao động và nhấp nháy, nhưng việc biến mất hoàn toàn không thể xảy ra với cùng lúc tất cả mọi điểm sáng đó, vì thế chúng cho ra một hình ảnh tương đối ổn định - giống như một bức ảnh hơi nhòe ở rìa nhưng vẫn cho ra hình ảnh mà bạn thấy được tương đối rõ ràng. Khi các hành tinh ở gần chân trời, ánh sáng từ chúng phải đi qua khí quyển dày hơn, hoặc khi khí quyển đang có rất nhiều nhiễu động, bạn có thể thấy ánh sáng từ các hành tinh cũng không ổn định, nhưng chúng không hề có những điểm cực ngắn bỗng biến mất hoặc tối hẳn đi như những ngôi sao.
Trong nhiều nền văn hóa, nhất là ở phương Tây, những ngôi sao nhấp nháy thường được nhắc tới như một hình ảnh lãng mạn. Hiển nhiên, tôi không phản đối điều này, như bất cứ ai khác thích ngắm bầu trời đêm. Nhưng hiểu hơn về cơ chế phía sau của chúng cũng là một cách để bạn thấy được chính vẻ đẹp và sự lãng mạn thực sự của vật lý và thế giới tự nhiên.
Đặng Vũ Tuấn Sơn