Tại sao máu của nhiều loài vật không có màu đỏ?

Nguyễn Minh | 22/03/2022, 08:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Máu người luôn có màu đỏ do chứa tế bào hồng cầu nhưng nhiều loài sinh vật sống khác không có máu hoặc máu không có màu đỏ.

Máu là vũ khí

Một số động vật sử dụng máu như cơ chế bảo vệ tính mạng, được gọi là chảy máu do phản xạ hoặc tự chảy máu. Theo cơ chế này, động vật sẽ tự động chảy rất nhiều máu để xua đuổi kẻ săn mồi.

Đơn cử, thằn lằn có sừng ở phía Tây Nam Mỹ và Mexico bắn những tia máu từ mắt khi chúng cảm thấy bị đe dọa bởi các loài động vật khác như sói. Kẻ săn mồi tưởng đã giết chết được con mồi nhưng thằn lằn đã kịp thời bỏ chạy và tiếp tục sống sót.

Máu của một số loài côn trùng, như bọ rùa châu Á, trộn lẫn với chất lỏng độc, có mùi tanh. Khi bị đe dọa, chúng sẽ phun loại máu này từ mắt hoặc khớp chân. Bọ cánh cứng cũng phun máu từ miệng với mục đích tương tự.

Trong khi đó, để tránh ký sinh trùng, loài thằn lằn da xanh New Guinea tích tụ một lượng bilirubin, sản phẩm dị hóa của quá trình phân hủy tế bào hồng cầu. Bilirubin chứa sắc tố xanh nên máu, xương, miệng, lưỡi… của loài bò sát này đều mang màu xanh.

Nếu con người sở hữu lượng bilirubin tương tự thằn lằn da xanh trong máu, họ sẽ tử vong. Nhưng cơ thể loài sinh vật này đã tiến hóa để thu nạp bilirubin thành chất giúp tiêu diệt ký sinh trùng trong máu, đặc biệt là ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.

Với nhiều loài sinh vật sống, máu là vũ khí chống lại kẻ thù. Nhưng trong một số trường hợp, máu của chúng lại hữu ích với con người. Ví dụ, máu có màu xanh sữa, giàu hemocyanin của cua móng ngựa Đại Tây Dương được điều chế thành thuốc, đặc biệt là vắc-xin vì tính an toàn, không chứa chất gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, quá trình săn bắt và lấy máu cua đang khiến số lượng loài này giảm ở khu vực Đại Tây Dương trong những năm gần đây. Vì vậy, các nhà khoa học đang gấp rút nghiên cứu tìm ra giải pháp thay thế làm giảm nhu cầu săn bắt động vật hoang dã.

Ngược lại, một số loài động vật không có máu hoặc hệ thống tuần hoàn đơn giản vì không cần chúng. Ví dụ, giun dẹp không cần hệ thống tuần hoàn vì việc trao đổi khí diễn ra trực tiếp qua da của chúng. Oxy thẩm thấu qua da và đi vào các mô của giun dẹp trong khi dinh dưỡng được khuếch tán từ ruột.

Sứa và bọt biển cũng thu nạp oxy thông qua quá trình khuếch tán. Đối với sao biển và hải sâm, nước là một chất tương đương với máu, vận chuyển chất dinh dưỡng và khí qua hệ thống mạch nước, thay vì mạch máu.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/tai-sao-mau-cua-nhieu-loai-vat-khong-co-mau-do-ATlSllE7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/tai-sao-mau-cua-nhieu-loai-vat-khong-co-mau-do-ATlSllE7g.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao máu của nhiều loài vật không có màu đỏ?