Tại sao người Việt mua muối đầu năm, kiêng mua vôi, xin lửa, quét nhà?

Hồng Anh | 25/01/2023, 09:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TS Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, trong tín niệm, có câu "bạc như vôi" nên đầu năm mới, người dân không muốn rước sự bạc bẽo vào nhà.

Ngoài kiêng mua vôi đầu năm, dịp Tết, người Việt còn kiêng kỵ rất nhiều điều khác. Các kiêng kỵ tích hợp vào dịp Tết trở thành một di sản văn hóa tinh thần quan trọng của dân tộc. Nó vừa để giữ gìn cho sự an toàn của con người, gia đình và cộng đồng, vừa thể hiện sự kỳ vọng trong năm mới.

Theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, ngày Tết không chỉ là sự đoàn viên của người sống mà quá khứ, hiện tại và tương lai đều hội tụ. Thế giới thực tế và thế giới tín ngưỡng đều hòa đồng, vừa thực vừa hư. Các điều kiêng kỵ đều hướng đến ba mục đích chính là bài trừ tai họa, cầu xin phúc lộc và khuyến khích hướng thiện.

Dịp đầu năm mới, người Việt nhiều nơi có thể xin lửa từ đền thánh nhưng thường kiêng xin lửa với các hộ gia đình. Lý do là bởi vì lửa cũng như thần lửa, thần bếp là nguồn nhiệt lượng bảo tồn sự sống cho con người. Lửa luôn luôn được gìn giữ cẩn thận trong gia đình và cộng đồng. Bếp lạnh, tro tàn là biểu niệm của sự tàn lụi. Giữ lửa là giữ gìn điều kiện sống.

"Dân gian kiêng xin lửa vì nhắc người ta bước sang năm mới không thể để tắt bếp hoặc không lơ là về nguồn lửa của gia đình. Ngoài ra, lửa được coi là điều may mắn nên các gia đình thường kiêng mang điều may cho người khác, bởi sẽ mất đi nguyên khí của nhà mình. Người ta có thể cho, biếu nhau những thứ khác, trừ lửa", TS Vĩ chia sẻ.

Một tục khác cũng rất phổ biến trong nhiều gia đình đó là kiêng quét nhà. Tục này được giải thích bởi một câu chuyện cổ xưa đã được ghi lại trong cổ thư là "Sưu thần ký".

Tác giả Phan Kế Bính trong sách "Phong tục Việt Nam" (năm 1915) cũng đã ghi lại: "Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo.

Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyện, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm nhân ngày mùng một Tết, người chủ đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng hốt rác".

Tại sao người Việt mua muối đầu năm, kiêng mua vôi, xin lửa, quét nhà? - 2

Người dân ở Xuân Trường, Nam Định xin lửa thánh từ đền làng đêm giao thừa Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Q. P).

Theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, sáng tạo ra một câu chuyện để giải thích cho một phong tục là điều thường thấy. Trong truyện này, ta thấy mong muốn giàu có (nhân vật chủ nhà là lái buôn), kỳ vọng giàu sang đó chính là cô Như Nguyện (cầu được ước thấy). Coi thường và đánh mất kỳ vọng thì không có quyết tâm để phát triển.

Tuy nhiên, mặt khác có thể thấy được các thông điệp ý nghĩa từ tục lệ này. Ngày Tết, các gia đình vốn đã chuẩn bị một không gian vệ sinh sạch sẽ, cần giữ gìn không gian đó để không phải quét dọn.

Muốn giữ được, cần kiệm ước trong sinh hoạt Tết để không có rác thải của sự thừa mứa. Khi có rác, không được "hốt rác" để thải ra môi trường công cộng, giữ vệ sinh chung. Có thế, kinh tế mới phát triển được. Phong tục Tết dạy người ta những bài học ngụ ngôn.

Ngoài ra, TS Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, ngày Tết, người Việt còn có rất nhiều kiêng kỵ như không nói lời nặng nề, xấu xa, không khóc nhè, không bạo lực, không say rượu. Kẻ trộm cũng kiêng đi ăn trộm vào đầu năm. Tết là một dịp thực hành ứng xử tử tế cho tất cả mọi người. Nếu không, quanh năm sẽ gặp phải những điều kém may mắn.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/doi-song/tai-sao-nguoi-viet-mua-muoi-dau-nam-kieng-mua-voi-xin-lua-quet-nha-20230124094320502.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/doi-song/tai-sao-nguoi-viet-mua-muoi-dau-nam-kieng-mua-voi-xin-lua-quet-nha-20230124094320502.htm
Bài liên quan
Mùng 3 Tết, khách đi sân bay Tân Sơn Nhất tăng kỷ lục
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, dự kiến trong ngày 24/1 (mùng 3 Tết) có 801 chuyến bay đi và đến, nhiều hơn thời điểm cận Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao người Việt mua muối đầu năm, kiêng mua vôi, xin lửa, quét nhà?