“Một số bệnh lý khác có thể gây đột quỵ nhưng cần kiểm tra sâu hơn mới chẩn đoán được như phình động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch, u não… Đột quỵ là biến cố bất ngờ, không dự đoán được lúc nào xảy ra. Việc điều trị giúp giảm nguy cơ đột quỵ tối đa nhưng không ngăn ngừa 100% đột quỵ” – BS Phước cho biết thêm.
Không riêng đột quỵ, nhiều bệnh lý khác cũng có nguy cơ gây mất an toàn khi lái xe như rối loạn nhịp tim, đột tử do tim, đợt cấp COPD (tình trạng các triệu chứng hô hấp biến đổi cấp tính từ giai đoạn ổn định của bệnh trở nên xấu đột ngột), hen…
Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai. Một khi không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong khoảng 10% đến 20%. Nếu may mắn sống sót, gần 30% phải chịu cảnh tàn phế và chỉ có khoảng 30% có thể trở về cuộc sống bình thường. |
“Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải cũng đã quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô” – BS Phước nói.
Có thể tài xế bị xuất huyết não
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 kiêm Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, tài xế trong clip đột ngột gục xuống và xuất hiện cơn co cứng co giật nửa người trái, xoay đầu sang phải.
“Cơn co cứng co giật kéo dài khoảng một phút. Do đó, để chẩn đoán nguyên nhân tử vong khi chỉ dựa trên một đoạn clip là rất khó. Tuy nhiên, cơn co giật cục bộ nửa người trái là điểm mấu chốt, chứng tỏ bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng bán cầu não phải” – ông Thắng cho biết.
Bệnh nhân tử vong nhanh sau đó nên nhiều khả năng có thể do xuất huyết não lượng lớn, gây thoát vị não. Bởi đối với đột quỵ thiếu máu não, cho dù tắc động mạch lớn nhưng để gây tử vong sẽ cần nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, tỉ lệ gây ra cơn co giật của xuất huyết não cũng cao hơn đột quỵ thiếu máu não.
“Nếu đúng là xuất huyết não, 90% nguyên nhân thủ phạm là cao huyết áp” – ông Thắng nêu quan điểm.
Không riêng đột quỵ, nhiều bệnh lý khác cũng có nguy cơ gây mất an toàn khi lái xe như rối loạn nhịp tim, đột tử do tim, đợt cấp COPD.
Mặc dù đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng đột quỵ xảy ra với những tài xế chuyên nghiệp là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người cùng trên xe và đang tham gia giao thông trên đường.
Cũng theo ông Thắng, qua trường hợp này cần thiết phải có chế độ kiểm tra định kỳ các bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử co giật… cho những tài xế chuyên nghiệp ngoài kiểm tra thị lực, thính lực. Một số quốc gia có thể tạm ngưng giấy phép nếu thấy tài xế có vấn đề về sức khoẻ cho đến khi mọi chuyện được kiểm soát ổn định.
“Sẽ không an toàn khi một tài xế thường xuyên bị chóng mặt hoặc có mức huyết áp cao hoặc rất cao. Đặc biệt, nếu tài xế này phải thường xuyên lái xe vào ban đêm” – ông Thắng nhấn mạnh.
Quy tắc FAST để phát hiện cơn đột quỵ Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (quy tắc FAST) sau đây: Face (liệt mặt), Arm (liệt cánh tay), Speech (nói khó, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường) và Time (tranh thủ tối đa thời gian gọi xe cứu thương). Ngoài ra, có thể ghi nhớ các dấu hiệu và cách xử trí bằng câu “Méo cười, ngọng nói, xuội tay – Mau gọi cấp cứu đi ngay đừng chờ”. Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh. Do vậy, người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não. Hiện vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, trích máu, cúng bái, uống thuốc truyền miệng, vận chuyển người bệnh bằng xe hai bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc. TS-BS NGUYỄN BÁ THẮNG, Trưởng đơn vị Đột quỵ BV Đại học Y Dược TP.HCM. |