Văn hóa

Tấm tình nghệ sĩ Không chỉ lấp lánh nơi thánh đường

18/09/2024 07:03

Tấm tình nghệ sĩ luôn được gìn giữ, phát huy,... không chỉ lấp lánh trong mỗi vở diễn, vai diễn trên thánh đường mà còn ngát hương ở bất cứ đâu.

Cuối tuần qua, lễ giỗ tổ và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam được tổ chức trang trọng, thành kính nhưng giản gọn chỉ hơn 30 phút để cùng hướng tới đồng bào các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đang phải gồng mình chống chọi với bão lũ.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam – NSND Trịnh Thúy Mùi đưa ra lời kêu gọi: “Toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ sân khấu trong cả nước cùng chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ”. Từ đó, Hội phát động dự án thiện nguyện “Chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ” và “toàn bộ số tiền thu được, Ban chấp hành Hội sẽ trực tiếp lên vùng lũ để trao cho bà con”.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng NSND Mẫn Thu (Nhà hát Tuồng Việt Nam) vẫn vượt mưa gió đến Nhà hát Lớn Hà Nội giỗ tổ từ sớm. Bà bảo, không riêng gì mình mà chắc chắn suy nghĩ lúc này của các nghệ sĩ sân khấu đều là: Mưa gió cũng dằng dặc đấy nhưng sao thấm với nỗi khổ cực vì những dòng nước lũ cứ ào ạt dâng khiến bà con ở trung du và miền núi phía Bắc phải oằn mình chống chọi.

Thế nên, lễ giỗ tổ sân khấu năm nay rất đặc biệt, bao câu chuyện gặp gỡ, tâm tình lâu ngày gặp lại không phải để nhắc nhớ kỷ niệm về vở diễn, vai mẫu hay các chuyến lưu diễn năm xưa mà là những xót xa, thương cảm với bà con vùng lũ để rồi cùng hối thúc nhau chung sức đồng lòng góp công, góp của gửi tới đồng bào bằng cả tấm lòng nghệ sĩ.

Thực ra, đời sống nghệ sĩ sân khấu, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương chưa khi nào là dư giả, thậm chí còn đầy những bấp bênh vì chưa thể cạnh tranh với các loại hình giải trí khác để sáng đèn thường xuyên.

Nhưng, dù ở hoàn cảnh nào, những con tằm ấy chưa khi nào nản lòng mà vẫn cần mẫn rút ruột nhả tơ dâng kén vàng là những tác phẩm sân khấu đỉnh cao, các vai diễn để đời góp phần gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc, cất lên tiếng lòng của nhân dân… Giờ đây, khi đồng bào gặp hoạn nạn, đội ngũ này lại xung kích cùng cả nước chung tay hướng về.

Ngay khi trận đại hồng thủy hoành hành, không ít người lặng thầm thẳng tiến vào rốn lũ, trực tiếp đem hàng hóa cứu trợ đến với bà con. Đến ngày giỗ tổ, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức giản gọn tiết kiệm và quyết định dùng tất cả số tiền nghệ sĩ phụng cúng trao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM hỗ trợ bà con chịu ảnh hưởng sau bão Yagi.

Nối sau đó là nhiều nhà hát tổ chức chương trình đón Tết Trung thu thiện nguyện như: “Trung thu không xa cách” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Trung thu cho em” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Trăng trẻ thơ” (Nhà hát Múa rối Việt Nam), “Tâm sự quê” (Nhà hát Chèo Việt Nam), Liên đoàn Xiếc Việt Nam phát động phong trào “Tương thân tương ái - Chia sẻ yêu thương”…

Đó chính là tấm tình nghệ sĩ luôn được gìn giữ, phát huy từ thế hệ này đến thế khác, không chỉ lấp lánh trong mỗi vở diễn, vai diễn trên thánh đường mà còn ngát hương ở bất cứ đâu và khi nào, thật trân quý biết bao!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tấm tình nghệ sĩ Không chỉ lấp lánh nơi thánh đường