Tận dụng nguồn lực tại chỗ dạy học Hoạt động trải nghiệm

03/05/2024, 07:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một số trường học chỉ tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh ngay tại địa phương, không đưa học sinh đi xa.

Gần 1.200 học sinh khối 11, Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) vừa có một buổi học Ngữ văn đầy ấn tượng.

Mở đầu chương trình, các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói chuyện về nghệ thuật tuồng. Lịch sử, đặc sắc của nghệ thuật tuồng được chuyển tải đến học sinh một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Các em hiểu được hoàn cảnh ra đời, sự phát triển của nghệ thuật tuồng, đặc biệt là tuồng Quảng Nam cũng như các giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật độc đáo của loại hình nghệ thuật này.

Cô giáo Diệu Trang cho biết: “Đây là những thông tin hữu ích, giúp học sinh có cái nhìn đầy đủ để bổ sung vào các bài học về nghệ thuật sân khấu trong Chương trình GDPT năm 2018, môn Ngữ văn”.

Học sinh khối 11 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) với giờ học Ngữ Văn Đưa sân khấu tuồng vào học đường.
Học sinh khối 11 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) với giờ học Ngữ Văn Đưa sân khấu tuồng vào học đường.

Học sinh hiểu hơn các quy ước trong mặt nạ tuồng, sự biểu thị của các màu sắc như màu đen, màu đỏ là trung thần, viền trắng dành cho người có tuổi. Nhưng cũng những màu đó, chỉ cần thay đổi một số chi tiết như lông mày như mày vuông thì sự biểu thị đã khác, màu đỏ bầm lại biểu thị cho sự gian tà…

Cùng với trích đoạn vở Thị Kính – Thị Mầu, qua giao lưu với các nghệ sĩ, học sinh có cơ hội hiểu hơn về tạo hình và các động tác múa đặc trưng của một số nhân vật trong tuồng như nhân vật lão, nịnh thần, tướng...

Một học sinh Trường THPT Thanh Khê trải nghiệm phương pháp nuôi cấy tại Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm, Khoa Sinh - Môi trường, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.
Một học sinh Trường THPT Thanh Khê trải nghiệm phương pháp nuôi cấy tại Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm, Khoa Sinh - Môi trường, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.

Bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết: “Hiện các trường học trên địa bàn đều tổ chức hoạt động trải nghiệm với các điểm đến đều ở trong thành phố Đà Nẵng. Với những buổi trải nghiệm có thu phí để chi trả tiền xe đưa đón, vé vào cổng... thì nhà trường sẽ chỉ tổ chức vào các ngày nghỉ cuối tuần”.

Theo bà Chinh, vẫn có trường hợp, nếu nhà trường không tổ chức tham quan, hoạt động trải nghiệm thì có khi học sinh chỉ đi qua địa điểm đó chứ không hề biết ý nghĩa, thông tin cụ thể… Chính vì vậy, dạy học nội dung giáo dục địa phương giúp học sinh hiểu về mảnh đất, con người nơi mình sinh ra và lớn lên... Hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương, vì vậy, giúp học sinh không những có được kiến thức nhất định về lịch sử, văn hóa, di sản ở địa phương, qua đó bồi đắp thêm tình yêu quê hương xứ sở từ những gì thân thuộc nhất.

Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Để học sinh có trải nghiệm thực tế, có những hoạt động giáo dục theo khối lớp, nhà trường buộc phải chia thành nhóm nhỏ để không phải rơi vào tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Ví dụ như không gian của từng cơ sở sản xuất tại làng nước nắm Nam Ô không lớn, nếu học sinh toàn khối 6 tham gia trong cùng một thời điểm thì thực chất chỉ có mặt để điểm danh là chủ yếu.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tan-dung-nguon-luc-tai-cho-day-hoc-hoat-dong-trai-nghiem-post681454.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tan-dung-nguon-luc-tai-cho-day-hoc-hoat-dong-trai-nghiem-post681454.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tận dụng nguồn lực tại chỗ dạy học Hoạt động trải nghiệm