Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) xác định tự chủ đại học sẽ tạo sức đột phá, thúc đẩy cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực, vận hành tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời làm tăng tính cạnh tranh giữa các trường, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục đại học.
Thời gian qua, nhà trường đã tổ chức học tập, tuyên truyền về tự chủ cho cán bộ chủ chốt nghiên cứu văn bản, tự đánh giá mức độ tự chủ, trao đổi, học tập kinh nghiệm về tự chủ đại học tại Trường Đại học Kinh tế và Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), từng bước xây dựng lộ trình, kế hoạch và giải pháp để tiến tới tự chủ.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho hay: Từ nhận thức về xu hướng tất yếu, ý nghĩa và tầm quan trọng của tự chủ đại học, đơn vị đã chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đề án tự chủ như ban hành các văn bản quản lý, quản trị phù hợp, theo quy định. Tiến hành kiểm định chất giáo dục nhà trường, đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn và công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định. Dự kiến, nhà trường đạt được tự chủ trong giai đoạn 2022 – 2025.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, trường cũng đang gặp một số khó khăn như: Thiếu kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn thu từ học phí còn hạn hẹp; về mặt pháp lý, chưa có sự đồng bộ trong các văn bản quy định, hướng dẫn về mô hình tự chủ hai cấp.
Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả lĩnh vực đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản trị theo hướng tự chủ. |
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Đảng, Nhà nước cần tăng áp lực và động lực cho quá trình tự chủ đại học. Cụ thể, Đại học Thái Nguyên cần chủ trì, chỉ đạo các trường thành viên rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ để đảm bảo sự thống nhất mục tiêu chung. Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên về tính tất yếu và ý nghĩa của tự chủ đại học.
Đồng thời, tạo động lực thông qua thúc đẩy quá trình đánh giá, hoàn thiện hệ thống tự kiểm soát chất lượng, nâng cao năng lực tự chủ gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý tự chủ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp như: Xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, phát triển chương trình đào tạo, quản lý tài chính, quản trị nhân sự, kỹ năng hội nhập…
Đặc biệt, tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả lĩnh vực quản lý nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản trị theo hướng tự chủ. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích để cơ sở giáo dục đại học quyết tâm phấn đấu tiến hành tự chủ trong thời gian sớm nhất.
Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Triển khai cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học đến đổi mới chương trình qua đó chủ động, linh hoạt, sáng tạo và từng bước khẳng định vị thế, nâng tầm thương hiệu.