Dù việc làm bó hoa tiền từ chính tiền của bản thân, cộng với việc nếu chẳng may có rách cũng chỉ là ngoài ý muốn, thế nhưng ít người biết rằng, việc làm đó đã vi phạm vào điều mà pháp luật đã quy định.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam, tuy nhiên nếu trong quá trình làm hoa bằng tiền mà phải cắt, xé, đâm, chọc,… dẫn đến việc tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003 của Thủ tướng về bảo vệ tiền Việt Nam có nhấn mạnh, nghiêm cấm hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: Xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền...
Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam bị xử lý như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.