Giáo dục

Tăng cường chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy đổi mới giáo dục

03/07/2024 19:37

Chiều 3/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2024, chuyên đề xây dựng pháp luật.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ và cán bộ làm công tác pháp chế các đơn vị. Cùng dự còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tư pháp.

Giải quyết bước đầu bức xúc của xã hội, được nhân dân ủng hộ

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Khâu thể chế là một trong ba đột phá chiến lược trong định hướng xây dựng và phát triển đất nước. Công tác xây dựng pháp luật được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ. Hội nghị chuyên đề về nội dung này được Chính phủ tổ chức hàng tháng. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo ráo riết các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Về phía Bộ GD&ĐT, khâu thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được đặc biệt coi trọng. Trong bối cảnh triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, rất cần đổi mới về thể chế, lấy đổi mới thể chế làm nền tảng tạo dựng khung pháp lý cho đổi mới chung toàn bộ các hoạt động của ngành.

Bộ trưởng nhận định, những năm qua, công tác này tại Bộ GD&ĐT có chuyển biến tích cực. Ngoài chỉ đạo là công tác thường xuyên, Bộ GD&ĐT cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác pháp chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các hội nghị này rất có tác dụng trong lưu ý về tinh thần thái độ, vừa củng cố yếu tố nghiệp vụ, đồng thời đưa ra giải pháp để đẩy mạnh công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ, chất lượng.

hoi nghi phap che 1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Thay mặt Vụ Pháp chế báo cáo về công tác pháp chế (chuyên đề xây dựng pháp luật) 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ GD&ĐT, Phó Vụ trưởng Đào Hồng Cường cho biết:

Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GD&ĐT ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành của Bộ. Nội dung các văn bản phù hợp với văn bản cấp trên như Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; các Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, các Bộ, ngành có liên quan ban hành. Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định.

Lãnh đạo Bộ quan tâm, sát sao và tích cực chỉ đạo công tác soạn thảo văn bản của Bộ GD&ĐT. Thủ trưởng các đơn vị cơ bản đã chủ động tập trung nguồn lực cho việc triển khai thực hiện công tác soạn thảo văn bản; công tác phối hợp giữa đơn vị chủ trì soạn thảo với các đơn vị của cơ quan thẩm định đã được quan tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ văn bản.

hoi nghi phap che 3.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Đào Hồng Cường báo cáo tại hội nghị.

Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật đã được thẩm định trước khi ban hành, tác động tích cực đến sự ổn định phát triển của ngành Giáo dục. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đi vào cuộc sống, giải quyết bước đầu một số bức xúc của xã hội, được nhân dân ủng hộ, đồng tình. Công tác phối hợp của các đơn vị trong Bộ ngày càng tốt hơn, trách nhiệm của người đứng đầu ngày càng được nâng cao.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, liên tục khi có căn cứ rà soát. Kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản có tác động tích cực đến công tác xây dựng kế hoạch soạn thảo văn bản hằng năm của Bộ GD&ĐT…

Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác này cũng được ông Đào Hồng Cường chia sẻ. Trong đó có vấn đề còn văn bản chậm muộn; kinh phí chi cho công tác soạn thảo văn bản còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế… Tiến độ rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đảm bảo; việc xử lý văn bản sau rà soát chưa được quan tâm một cách thỏa đáng...

TT Nguyen Van Phuc.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.

Tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tập trung trao đổi về thực trạng, giải pháp, đưa đề xuất để làm tốt công tác pháp chế trong thời gian tới. Ý kiến được tập trung đề xuất là tăng cường nguồn lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ mong muốn Vụ Pháp chế chủ trì tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn năng lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho các cán bộ, chuyên viên của Bộ GD&ĐT; là đầu mối tăng cường quan hệ hợp tác giữa đơn vị trong Bộ với các đơn vị bên ngoài liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để triển khai công tác này tốt hơn. Đồng thời, tăng cường hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT…

Quan tâm đến việc quản lý, giám sát tiến độ xây dựng văn bản, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải cho biết: Bộ GD&ĐT đã nâng cấp phần mềm e-office. Trong tháng 7 này, Văn phòng Bộ sẽ chủ trì cùng Cục Công nghệ thông tin tổ chức tập huấn cho các đơn vị, thống nhất mô hình, cách thức quản lý, giám sát, theo dõi tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Bộ, trong đó có nhóm công việc liên quan đến công tác soạn thảo văn bản. Lãnh đạo Bộ cũng sẽ dễ dàng nắm bắt được tình hình triển khai công việc nói chung, công tác soạn thảo văn bản của các đơn vị nói riêng.

TT Nguyen Thi Kim Chi.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất tăng cường kinh phí, nguồn lực cho công tác này; có chính sách về đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho người làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng nhân sự cho Vụ Pháp chế; gắn kết các đề tài trong Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục với nhiệm vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ; tăng cường chuyển đổi số trong công tác soạn thảo văn bản…

Nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, tầm quan trọng của yếu tố con người trong công tác pháp chế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu rà soát để bảo đảm chịu trách nhiệm về công tác này phải là trưởng đơn vị. Cùng với đó, cần tăng cường tuyển dụng người có chuyên môn, am hiểu về pháp luật và có kinh nghiệm thực tiễn; tăng cường hơn nữa công tác tập huấn; cố gắng tăng cường nguồn lực để các đơn vị thực hiện. Thứ trưởng đồng thời đưa ra những lưu ý trong cách làm, công tác phối hợp, cũng như việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật.

Nhắc đến mức độ nhạy cảm, tác động xã hội lớn của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi từ đó lưu ý yêu cầu không chỉ đúng mà còn phải chuẩn mực, cẩn trọng, kịp thời, hợp lý...

Để làm tốt hơn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng cho rằng, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm; kiến thức, kỹ năng cơ bản về văn bản quy phạm pháp luật; tuân thủ các quy định liên quan đến xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thứ trưởng đồng thời gợi ý giải pháp tận dụng nguồn lực và nhấn mạnh việc cần dành thời gian hợp lý cho công tác này.

hoi nghi phap che 2.jpg
Lãnh đạo các vụ, cục phát biểu tại hội nghị. Trong ảnh là Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy.

Cộng đồng trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong - ngoài

Phát biểu kết luận, đối với công tác quản lý nhà nước cơ quan Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát triển khai, đánh giá tổng kết.

Triển khai công tác này, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh cần tăng cường tư duy lập pháp, không chỉ cho cán bộ lãnh đạo; tăng cường cộng đồng trách nhiệm. Cùng với đó là tinh thần đúng tiến độ, chất lượng cao, sát thực tiễn, dễ triển khai và không bỏ sót. Trong đó, yếu tố chất lượng cần bảo đảm theo nhiều góc độ: tính hợp hiến, hợp pháp, sự phù hợp và phục vụ mục tiêu quản lý, mục tiêu đổi mới của toàn ngành.

“Sẽ không có được nhiều cái mới thúc đẩy đổi mới giáo dục, đổi mới quản lý, hỗ trợ nhà giáo nếu không tăng cường được chất lượng văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng cho hay.

Lưu ý một số công việc trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong - ngoài. Với bên ngoài, các đơn vị cần đặc biệt phải phối hợp sâu, chặt chẽ là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ. Bên trong là phối hợp giữa các cục, vụ, đơn vị của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra còn cần làm tốt phối hợp theo ngành dọc với các địa phương, cơ sở giáo dục, các chuyên gia, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục….

Đồng thời, tăng cường các công cụ hỗ trợ, chuyển đổi số; quan tâm đặc biệt đến yếu tố con người, trong đó có tăng cường tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ theo các nhóm đối tượng khác nhau...

Đối với các đơn vị cục, vụ, Bộ trưởng nhấn mạnh lại vai trò người đứng đầu, tính chịu trách nhiệm và trí tuệ tập thể. Quan tâm về kinh phí, Bộ trưởng cũng gợi ý khai thác nguồn lực để làm tốt hơn công tác pháp chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy đổi mới giáo dục