Tăng cường hoạt động thể lực trong các cơ sở giáo dục

Hoàng Vinh | 23/07/2022, 18:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 23/7, tại Trường Đại học Quy Nhơn, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Bế mạc Hội nghị Triển khai chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 và tập huấn triển khai thực hiện dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh.

Sau 2 ngày diễn ra Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT trên cả nước đã nghe các báo cáo viên tại Hội nghị thông tin về một số nội dung như: Chia sẻ một số mô hình hay về chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học và vai trò của y tế trường học đối với việc chăm sóc, quản lý và sàng lọc sức khỏe tâm thần trong trường học; Kết quả triển khai Đề án 41 năm 2021-2022; Trọng tâm các nhiệm vụ triển khai Đề án năm 2022; Hướng dẫn triển khai tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực trong các cơ sở giáo dục;

Thảo luận, chia sẻ về kinh nghiệm và những khó khăn, thách thức của một số tỉnh trong việc tổ chức bữa ăn học đường và tăng cường hoạt động thể lực; phương hướng triển khai; Hướng dẫn xây dựng thực đơn bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, khoa học và hợp lý; Xây dựng các bài tập vận động thể lực để nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh không lây nhiễm trong trường học...

Phát biểu tổng kết chương trình, TS. Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho hay, đối với các UBND tỉnh thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Sức khỏe học đường, khi triển khai vai trò đầu mối vẫn là các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành. Chính vì thế, căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố từ đó chia nhỏ ra từng giai đoạn. Cụ thể, chúng ta xem năm những sau sắp tới triển khai từng nhiệm vụ gì.

“Phải cụ thể hóa kế hoạch của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành có chỉ đạo triển khai theo kế hoạch chương trình Sức khỏe học đường”, TS Nguyễn Nho Huy lưu ý.

Đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học và vai trò của y tế trường học đối với việc chăm sóc, quản lý và sàng lọc sức khỏe tâm thần trong trường học, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo kế hoạch, và Bộ GD&ĐT cũng xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị liên quan Bộ.

“Sau khi tập huấn, Vụ Giáo dục thể chất sẽ tiếp thu ý kiến của các Sở GD&ĐT, chuyên gia và điều chỉnh, rà soát sau đó trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký quyết định ban hành. Có khả năng trong tháng 7/2022 sẽ ban hành Quyết định. Chính vì thế, sau khi Bộ GD&ĐT ký ban hành Kế hoạch, đề nghị các Sở GD&ĐT cũng phải xây dựng kế hoạch triển khai”, đại diện Vụ Giáo dục thể chất nhấn mạnh.

Đại diện Vụ Giáo dục thể chất cũng lưu ý, ở nhóm nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch có rất nhiều nội dung, vì vậy phải rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, kế hợp hoạt động văn hóa... Đề nghị căn cứ vào các nhiệm vụ giải pháp chung của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành lựa chọn từng năm một để chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai.

“Trong kế hoạch của Bộ GD&ĐT, trong năm 2022-2023 sẽ xây dựng và hoàn thiện về truyền thông, tài liệu về bồi dưỡng tập huấn nâng cao trình độ cho các cán bộ giáo viên, nhân viên y tế trường học, giáo viên làm công tác tâm lý, công tác xã hội… Các Sở GD&ĐT căn cứ vào việc đang làm để triển khai ngay kế hoạch từ năm học mới 2022-2023”, ông Huy lưu ý.

Bên cạnh đó, Vụ phó Vụ Giáo dục thể chất cũng cho biết thêm, đối với cuốn tài liệu Hướng dẫn triển khai tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực trong các cơ sở giáo dục, đã được thẩm định, dự kiến trong tháng 7 Vụ Giáo dục thể chất sẽ báo cáo Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu này.

Ngoài ra, nội dung thực hiện bữa ăn học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp cường hoạt động thể lực trong các cơ sở giáo dục, trong năm 2021 Bộ GD&ĐT đã tổ chức tổng kết chương trình thí điểm này tại 10 tỉnh, thành phố. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có quyết định phê duyệt mô hình này.

“Thông qua hội nghị này, chúng tôi đề nghị các Sở GD&ĐT tỉnh, thành nghiên cứu tài liệu, quyết định phê duyệt để triển khai nhân rộng mô hình này. Đối với 10 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm chương trình sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên chúng ta phải làm từng bước, từng năm một, để có đánh giá tổng kết. Nên lựa chọn trường mầm non, tiểu học để thực hiện...”, Vụ phó Vụ Giáo dục thể chất chia sẻ.

Trong tất cả hướng dẫn, quyết định của Chính phủ và Bộ GD&ĐT ban hành, Vụ giáo dục thể chất luôn theo dõi, chia sẻ và hướng dẫn cụ thể đối với Sở GD&ĐT các tỉnh, thành cùng các cơ sở giáo dục trông quá trình tổ chức thực hiện. “Vì vậy, trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc thì các Sở GD&ĐT cũng như cơ sở giáo dục liên hệ Vụ Giáo dục thể chất để được hỗ trợ”, ông Nguyễn Nho Huy khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường hoạt động thể lực trong các cơ sở giáo dục