Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học 3 bên trong giáo dục đại học

24/08/2023, 08:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Trường Đại học Giao thông vận tải vừa diễn ra tọa đàm giữa nhà trường, Sở Khoa học công nghệ và Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Tọa đàm “Một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy định hướng một số nhiệm vụ KHCN cấp thành phố năm 2023 và những năm tiếp theo cho lĩnh vực GTVT”. Đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt để kỉ niệm hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa các bên từ năm 2019.

Mong muốn và đề xuất

Tại buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. Cùng lãnh đạo và các nhà khoa học đầu ngành của Trường Đại học GTVT và các nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực này.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học 3 bên trong giáo dục đại học ảnh 1
TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết Tp sẽ đặt hàng dựa trên yêu cầu thực tiễn.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội đặt vấn đề: Các đề tài KHCN cấp thành phố sắp tới sẽ đặt hàng dựa trên căn cứ thực tiễn, nhu cầu phát triển của TP, ngay từ khi xây dựng đề cương thực hiện cần làm rõ địa chỉ ứng dụng, đơn vị quản lý nhà nước nào sẽ phối hợp hỗ trợ ứng dụng. Thay vì đề xuất từ phía các cơ quan quản lý nhà nước sẽ mang tính chủ quan, sắp đặt, chưa đủ hàm lượng khoa học, mong các nhà khoa học của Trường Đại học GTVT sẽ cùng phối hợp trong các hoạt động.

Đại diện phía Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở bày tỏ mong muốn: Trường Đại học GTVT kết hợp với các nhà khoa học uy tín, nhiệt huyết và nhiều kinh nghiệm từ Trường ĐH GTVT, các sản phẩm khoa học sẽ có tính ứng dụng cao và giải quyết được các vấn đề nhức nhối, cấp bách còn tồn tại trong GTVT của Tp Hà Nội. Trường ĐH GTVT hằng năm cung cấp một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các Sở ban ngành tại Tp, rất mong có sự hỗ trợ thường xuyên và kịp thời tới vấn đề GTVT của TP.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học 3 bên trong giáo dục đại học ảnh 2
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường mong muốn Trường ĐH GTVT giúp giải quyết những tồn đọng về giao thông của Tp.

Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT – PGS.TS Nguyễn Ngọc Long khẳng định: Trường ĐH GTVT sẽ tiếp nhận các vấn đề còn tồn động cần phải được nghiên cứu, xử lý, đưa ra các đề xuất sắp tới đi đúng vào thực tiễn, mang hàm lượng khoa học cao, giải quyết được đúng vấn đề nhức nhối mà Lãnh đạo và nhân dân TP quan tâm. Cùng với đó, đề xuất với Hà Nội đặt thêm đầu bài/yêu cầu cho nguồn nhân lực kế cận, để Trường làm cơ sở trong đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp với đặc thù của Thủ đô.

Nhà khoa học ý kiến

Nhằm khắc phục các hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện các đề tài KHCN cấp Thành phố, GS.TS Đỗ Đức Tuấn (Trường ĐH GTVT) cho rằng: “Với các nhà khoa học, thủ tục hành chính là vấn đề bức xúc khi thực hiện các đề tài khoa học. Do đặc thù cơ chế chính sách còn chưa ủng hộ các nhà khoa học, việc thực hiện đề tài KHCN còn vướng mắc rất nhiều về thủ tục hành chính, khiến các nhà khoa học dễ nhụt chí khi thực hiện. Việc kết hợp với các Sở Ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước còn khó khăn khi thực hiện ứng dụng sản phẩm KHCN vào thực tế địa bàn Tp".

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học 3 bên trong giáo dục đại học ảnh 3
GS.TS Đỗ Đức Tuấn – Giáo sư Khoa Cơ khí, Trường Đại học GTVT cho ý kiến.

Ủng hộ ý kiến trên, GS.TS Trần Đức Nhiệm (Trường ĐHGTVT) đề xuất: “Các vấn đề cấp bách, các tồn tại mang tính thời sự của TP cần có cơ chế riêng của TP để thực hiện nghiên cứu một cách gấp rút, nghiêm túc và được liên kết, phối hợp giữa nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước, vạch ra các giải pháp, cách tiếp cận khác của vấn đề để giải quyết triệt để tồn đọng thay vì giải quyết mang tính tạm thời, làm hao phí nguồn lực của TP.

Bên cạnh các ý kiến nêu trên, GS.TS Phạm Huy Khang (Trường ĐHGTVT) cho rằng: “Hiện nay các đề tài KHCN đã được nghiệm thu với kết quả rất tốt. Tuy nhiên, chưa có thống kê các sản phẩm khoa học đã hay chưa được ứng dụng vào TP. Các sản phẩm này được thực hiện thương mại hóa hay chưa, các cơ quan quản lý nhà nước có đề xuất chủ trương hay cơ chế gì để thương mại hóa các sản phẩm KHCN. Điều đó giúp cho NCKH đi vào đúng thực chất, các nhà khoa học có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho TP.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học 3 bên trong giáo dục đại học ảnh 4
GS.TS Trần Đức Nhiệm – Giáo sư khoa Công Trình đề xuất thương mại hóa sản phẩm.

Chia sẻ quan điểm của các nhà khoa học, ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội: Định hướng trong thời gian tới, Sở KHCN đề xuất chủ trương tách biệt công việc nghiên cứu với việc ứng dụng sản phẩm vào thực tế, các nhà khoa học từ phía Trường chỉ thực hiện hoạt động nghiên cứu, còn việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ cần có đơn vị Quản lý nhà nước đứng ra thực hiện, hỗ trợ ứng dụng vào thực tế Hà Nội, tập trung vào các mục tiêu chính như phát triển giao thông tĩnh, quản lý và khai thác không gian ngầm, quy hoạch phát triển nội đô, triển khai Luật Thủ đô,…

“Trường ĐH GTVT là cơ sở đào tạo, NCKH và CGCN hàng đầu trong ngành GTVT, hiện đang đặt cơ sở tại địa bàn TP. Trường đã thực hiện tổng số 7 đề tài cấp Thành phố thuộc Chương trình 01C-04, các đề tài đã được nghiệm thu với đánh giá từ Khá đến Xuất sắc. Tuy nhiên, số lượng và kinh phí thực hiện còn khiêm tốn, mang tính “đơn chiếc”, khiến các đề tài chưa mang tính liên tục, các sản phẩm chưa đến được với ứng dụng thực tế, nguồn chất xám đến từ các nhà khoa học vẫn chưa được tận dụng triệt để. Để tăng cường tính hiệu quả, rất cần tăng cường hợp tác 3 bên giữa nhà trường, Sở GTVT, Sở KHCN cùng giải quyết các vấn đề trên". - GS.TS Nguyễn Ngọc Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học 3 bên trong giáo dục đại học