Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ Lê Tiến Dũng nhận định: Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ là vô cùng cần thiết, cấp bách vì những hiệu quả to lớn mà nó có thể mang lại cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nếu khả thi, dự án nên được hoàn thành trước năm 2030. TP Cần Thơ khuyến nghị các Sở Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư) để có thể phát huy và tận dụng tối đa ưu thế của tuyến đường sắt khi được hoàn thành.
Bên cạnh dự án tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ, tọa đàm cũng thảo luận về việc quy hoạch các tuyến đường bộ ven biển kết nối TP HCM – Cần Thơ và dự án tăng cường phát triển kênh giao thông đường thủy TP HCM – Cần Thơ.
Theo các đại biểu tham dự, đây là hai dự án cực kỳ quan trọng, không chỉ mang ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội mà còn là nền tảng đảm bảo quốc phòng – an ninh, kết nối nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, dự án về phát triển kênh giao thông đường thủy được nhận định sẽ giúp tận dụng điều kiện tự nhiên nhiều sông ngòi của khu vực để giúp hệ thống giao thông đường bộ được giảm tải, bên cạnh đó, giao thông đường thủy còn tạo ra nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực du lịch.
Một vấn đề quan trọng khác trong phát triển giao thông liên kết vùng là phát triển các tuyến đường bộ ven biển. Theo đó, dự án tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TP HCM – Đồng bằng sông Cửu Long được đề ra với mục tiêu kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển của các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM, từ đó, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển. Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển này có thể kết hợp với đê biển để bố trí lại dân cư ven biển, giảm thiểu thiệt hại từ tác động của thiên tai, biến đối khí hậu và nước biển dâng.
Tọa đàm thống nhất việc trao đổi, cập nhật và chia sẻ thông tin giữa các địa phương để quy hoạch chung và quy hoạch tại từng địa phương trong khu vực có sự thống nhất, qua đó, tạo nên liên kết bền vững để dự án được triển khai hiệu quả.