Việc trang bị kiến thức về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh góp phần kiến tạo môi trường học tập lành mạnh, tăng cường tình đoàn kết.
Ngày 8/4, Trường THCS Cổ Đô phối hợp với đại diện Phòng Tư pháp, Hội Luật gia huyện Ba Vì (Hà Nội) tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn giao thông và phòng chống bạo lực học đường với sự tham gia của gần 500 học sinh toàn trường.
Chương trình nhằm thực hiện Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 15/8/2024 của UBND huyện Ba Vì về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về An toàn giao thông, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh và thanh thiếu niên trên địa bàn huyện Ba Vì.
Các hoạt động này được tổ chức từ nay cho đến hết ngày 12/5 tại một số trường THCS của huyện Ba Vì. Hội Luật gia Ba Vì kết hợp cùng Phòng Tư pháp huyện cử báo cáo viên tuyên truyền tại các hội nghị. Ngoài ra, các trường tổ chức tuyên truyền về phòng chống các tệ nạn xã hội, ma túy; quản lý, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ tới học sinh.
Tại Trường THCS Cổ Đô, Thượng tá, Luật gia Phạm Trường Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia huyện Ba Vì, Tư vấn viên Pháp luật thuộc Sở Tư pháp Hà Nội chia sẻ những nội dung hết sức thiết thực và bổ ích xoay quanh Luật An toàn giao thông và công tác phòng chống bạo lực học đường.
Những hình thái, hệ lụy của bạo lực học đường tới sức khỏe tâm lý, thể chất của học sinh được diễn giả phân tích thông qua nhiều ví dụ cụ thể. Để phòng chống bạo lực học đường, các em cần tích cực rèn luyện kĩ năng sống, lễ phép với ông bà, bố mẹ, thầy cô giáo; chấp hành tốt nội quy trường lớp.
"Các em cần học cách kiềm chế cảm xúc tích cực tham gia vào những hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính hướng thiện cho bản thân. Các thầy cô cần thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của học sinh và có biện pháp can ngăn, giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực đối với học sinh của mình...", diễn giả Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô nhấn mạnh: Buổi tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh, giúp các em hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc sống và hành động theo pháp luật. Những câu chuyện, tình huống thực tế sinh động được diễn giả truyền tải đã chạm tới nhận thức và cảm xúc, giúp các em nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện và không có bạo lực.