Đồng chí Đặng Duy Mẫn cũng chia sẻ một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.
Hội nghị cũng được lắng nghe một số tham luận nổi bật như: "Thực trạng và kết quả thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước" của đồng chí Trần Quang Hồng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ trình bày những kết quả nổi bật trong cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, bài tham luận đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2022-2025 để tăng cường cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.
Tham luận "Triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của các cơ quan Đảng trên môi trường số" của đồng chí Đinh Bá Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng đã nêu bật những kết quả đạt được trong việc triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan Đảng; đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng.
Đồng chí Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ trình bày tham luận "Hiệu quả ứng dụng công nghệ số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác văn thư, lưu trữ và định hướng lưu trữ điện tử trong thời gian tới", tham luận nêu rõ cơ sở pháp lý liên quan tới chữ ký số, công tác văn thư, lưu trữ điện tử. Đồng thời, nêu bật hiệu quả ứng dụng công nghệ số, chữ ký số trong công tác văn thư, lưu trữ. Đặc biệt, tham luận nêu các vấn đề, vướng mắc cần giải quyết về lưu trữ điện tử trong thời gian tới.
Tham luận "Tình hình phát triển chữ ký số tại Việt Nam và phương án thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân phục vụ dịch vụ công trực tuyến" do đồng chí Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày đã thông tin cụ thể tình hình triển khai, sử dụng chữ ký số hiệu quả tại một số quốc gia trên thế giới. Đồng thời, mô tả tổng quan tình hình phát triển và ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam; đưa ra các giải pháp, phương án thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân phục vụ dịch vụ công trực tuyến.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Vũ Ngọc Thiềm đã nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu.
Cụ thể, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung đẩy mạnh áp dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý về giao dịch điện tử và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030" và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp tục phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật cho Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo bảo mật, an toàn trước sự phát triển của công nghệ lượng tử, đảm bảo an toàn, tin cậy cho các hệ thống lưu trữ điện tử; tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ về xác thực và bảo mật thông tin, đặc biệt là các công nghệ xác thực mới.
Thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành địa phương để kiến nghị, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng theo các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.
Đồng chí Trưởng ban cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp, quản lý có hiệu quả chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.