Sáng ngày 29/6, các điểm thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức họp cán bộ làm công tác coi thi và dành nhiều thời gian để phổ biến, phân công nhiệm vụ cụ thể. Đây là buổi thi quan trọng, và có tính chất “căng” hơn khi triển khai cho thí sinh dự thi ở cùng lúc hai Tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội với tất cả 6 môn thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục Công dân.
Họp cán bộ coi thi, trao đổi về đánh số báo danh, sắp xếp chỗ ngồi cho thí sinh tham gia bài thi tổ hợp KHTN-KHXH tại điểm thi Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài. |
Do tính chất là tổ hợp môn thi tự chọn, nên vị trí số lượng thí sinh ở các phòng thi thay đổi so với 2 buổi thi hôm trước. Trong buổi họp triển khai nhiệm vụ tại điểm thi Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An, thầy Trần Văn Nga (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – trưởng điểm thi) đã phổ biến, quán triệt đến các giám thị, cán bộ làm nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc quy chế.
Giám thị nhận thẻ cán bộ coi thi, bốc thăm phòng thi và nhận túi đựng phiếu làm bài tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Hồ Lài. |
Việc đánh số báo danh, sắp xếp chỗ ngồi làm bài cho thí sinh tại những phòng thi có số lượng thí sinh ít hơn 24 em cũng được trao đổi, thống nhất. Tại điểm thi này, gồm có giám thị là giáo viên đến từ các Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Lê Viết Thuật.
Giám thị bốc thăm phòng coi thi nào sẽ nhận tài liệu tương ứng với phòng thi đó theo nhiệm vụ của mình. Ảnh: Hồ Lài. |
Các quy trình quen thuộc như ở các ngày thi trước. Tuy nhiên, hôm nay, công tác đảm bảo an toàn, nghiêm túc, phòng tránh gian lận thi cử được các điểm thi chú trọng hơn. Về phía cán bộ, giám thị coi thi, một mặt trực tiếp cũng kiểm tra kỹ càng hơn các thí sinh trước khi các em bước vào phòng thi. Mặt khác, vẫn phải tạo tâm lý tốt nhất cho các thí sinh, tránh gây hoang mang, lo lắng.
Giám thị kiểm tra vật dụng mang vào phòng thi của thí sinh. Ảnh: Hồ Lài. |
Đúng 7h35 phút sáng 29/6, thí sinh sẽ bắt đầu làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý – Hóa học – Sinh học) hoặc tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý – Giáo dục công dân).
Giữa các môn thành phần, thí sinh có 10 phút để nghỉ ngơi, hoặc để các thí sinh tự do, thí sinh thuộc hệ Giáo dục thường xuyên không dự thi môn tiếp theo di chuyển sang các phòng chờ theo đúng quy định.
Sau khi gọi thí sinh vào phòng thi, các giám thị tại Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An dành thời gian và nhắc nhở thí sinh thực hiện đúng quy chế thi, kiểm tra lại vật dụng tư trang và động viên, khích lệ học sinh cố gắng “vượt đèo” thành công.
Thí sinh kiểm tra Atlat Địa lý của mình, đảm bảo không viết tay hoặc có ký hiệu riêng trước khi đưa vào phòng thi. Ảnh: Hồ Lài. |
Tại điểm thi này, hầu hết thí sinh đều là con em ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa thi trúng tuyển và học trường dân tộc nội trú. Một số học sinh có bố mẹ xuống để đồng hành cùng con và được nhà trường tạo điều kiện cho vào ở miễn phí trong khu ký túc xá. Nhưng trước buổi thi, phụ huynh đều được thông báo ra ngoài cổng trường để đảm bảo an toàn khu vực thi.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An động viên thí sinh bị gãy tay phải, dự thi tại phòng thi riêng có máy quay, máy ghi âm ghi lại quá trình làm bài. Ảnh: Hồ Lài. |
Trước đó, trong ngày thi đầu tiên nhiều tình huống bất ngờ cũng đã xảy ra tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Tại điểm thi Trường THPT Yên Thành 2, trước kỳ thi, điểm thi này nhận được thông tin hai thí sinh Nguyễn Ngọc Mạnh và Nguyễn Thọ Thân đều bị tai nạn gãy tay.
Ban giám hiệu nhà trường nơi các em theo học và trưởng điểm thi đã liên lạc với Sở GD&ĐT Nghệ An để có phương án phù hợp. Trong môn thi đầu tiên, trường đã bố trí 2 phòng thi riêng, cách xa các phòng thi của các thí sinh khác để tổ chức thi cho thí sinh.
Cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh lần nữa về thực hiện quy chế thi, điền thông tin cá nhân đầy đủ, đúng quy cách lên phiếu trả lời trắc nghiệm. Ảnh: Hồ Lài. |
Nói thêm về quá trình thực hiện, thầy Nguyễn Bá Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành – điểm trưởng điểm thi Trường THPT Yên Thành 2 cho biết: "Chúng tôi đã bố trí 2 giáo viên nữ dạy môn Địa lý và môn Sinh học đến từ Trường THPT Bắc Yên Thành và Trường THPT Phan Đăng Lưu để hỗ trợ thí sinh chép bài.
Trước khi thi, giám thị và thí sinh có 30 phút làm quen tiếng nói, trao đổi những điều cần thiết để việc ghi, chép bài hiệu quả. Sau môn thi Ngữ văn, các thí sinh đều khá hài lòng với kết quả của mình và chúng tôi mong các em sẽ có một kỳ thi đạt kết quả cao".
Cán bộ công an hướng dẫn thí sinh ra ngoài sau khi xong tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Hồ Lài. |
Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm nay toàn tỉnh có gần 37.000 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có 870 thí sinh tự do) tại 70 điểm thi . Phần lớn thí sinh vừa đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học. Toàn tỉnh chỉ có 2.825 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.
Nghệ An đã huy động 5.864 cán bộ làm công tác coi thi, phục vụ kỳ thi, trong đó có 3.843 cán bộ làm công tác coi thi, cán bộ giám sát điểm thi. Cùng với các lực lượng tại chỗ, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cử cán bộ, giảng viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Định về làm công tác kiểm tra giám sát tại các điểm thi của tỉnh Nghệ An.
Ông Lê Cảnh Trung – cán bộ Trường Đại học Vinh làm nhiệm vụ giám sát tại điểm thi Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) cho biết: Công tác chuẩn bị, triển khai nhiệm vụ thi của trường nghiêm túc, đúng quy chế. Về cơ sở vật chất các phòng thi cũng đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy chế. Tuy nhiên do thời tiết mùa hè của Nghệ An nắng nóng, nên đầu mỗi buổi thi giám thị đến sớm, mở cửa phòng và bật quạt trước để thông thoáng cho thí sinh dự thi.