Tăng học phí đại học chuyển gánh nặng tài chính sang các gia đình

Theo Nghiêm Huê | 17/05/2023, 07:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chính phủ đồng ý tăng học phí từ 2023 – 2024 khiến phụ huynh, sinh viên lo lắng; các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) cũng đau đầu khi xem xét mức thu phù hợp.

Theo Ngân hàng Thế giới, thực trạng giảm ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chính giáo dục ĐH. Gánh nặng tài chính cũng như nguy cơ bị bỏ lại phía sau ngày càng rõ ràng hơn cho học sinh, sinh viên từ các hộ gia đình có khó khăn về tài chính.

Cần tránh chuyển gánh nặng sang hộ gia đình

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho hay mặt bằng học phí của các trường ĐH công của Việt Nam tương đối thấp, nhưng không hẳn ở mức đáy. Khi tăng học phí, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài yêu cầu đảm bảo nguồn chi trên đầu sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì còn phải phù hợp với thu nhập của người dân. Tuy nhiên, việc tăng học phí sẽ gây khó khăn cho một số đối tượng sinh viên yếu thế.

Theo ông Dũng, các trường ĐH cần tiết kiệm chi tiêu và tăng nguồn thu ngoài học phí. PGS Đỗ Văn Dũng tính toán với mức thu học phí 30 triệu đồng/năm, nếu biết tiết kiệm chi tiêu, các trường vẫn có lợi nhuận. Chẳng hạn như cần có các biện pháp giảm chi thông qua chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước, đầu tư hiệu quả, thu nhập của cán bộ giảng viên hợp lý, tăng cường vận động tài trợ từ doanh nghiệp... Cơ quan quản lý nhà nước cần phải có kênh giám sát và cảnh báo các trường.

Một báo cáo về tài chính của giáo dục ĐH tại Việt Nam do nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy một thay đổi quan trọng về mặt chính sách trong năm 2015 là Chính phủ đã đưa ra cơ chế để các trường ĐH công lập giảm dần phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và tăng cường chia sẻ chi phí. Chính sách này vốn chỉ có thể khả thi đối với một số ít trường ĐH có khả năng thu đủ học phí thông qua các ngành học, chương trình đào tạo có sức hút với sinh viên, kể cả chưa tính tới yếu tố bình đẳng trong tiếp cận. Trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam cần đặc biệt tránh chuyển gánh nặng tài chính của giáo dục ĐH sang hộ gia đình/học sinh khi mà mức chi tiêu, đầu tư công cho giáo dục ĐH vẫn còn rất thấp; cũng như để hệ thống này quá phụ thuộc vào nguồn thu học phí trong khi nhóm hộ nghèo vẫn đối mặt với nhiều hạn chế, ràng buộc về tài chính.

Đóng góp của hộ gia đình cho giáo dục ĐH đã tăng đều đặn theo thời gian và hiện là nguồn thu quan trọng nhất của các trường đại học công lập. Năm 2017, ngân sách nhà nước cấp phát chỉ chiếm 24% tổng doanh thu của các trường ĐH công lập trong khi học phí đóng góp 57% và 19% còn lại đến từ các nguồn khác. Bốn năm sau, tức năm 2021, khảo sát nhóm cơ sở giáo dục ĐH công lập cho thấy đóng góp của hộ gia đình đã tăng vọt từ 55% lên 77% và nguồn ngân sách nhà nước giảm xuống chỉ còn tương đương 9%.

Theo tienphong.vn
https://cafef.vn/tang-hoc-phi-dai-hoc-ganh-nang-tai-chinh-chuyen-sang-cac-gia-dinh-188230517075242125.chn
Copy Link
https://cafef.vn/tang-hoc-phi-dai-hoc-ganh-nang-tai-chinh-chuyen-sang-cac-gia-dinh-188230517075242125.chn
Bài liên quan
Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí
Nhiều trường đại học thông báo dự kiến sẽ tăng học phí trong năm học 2023 – 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng học phí đại học chuyển gánh nặng tài chính sang các gia đình