Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tức 2,4 - 6,15 triệu đồng/tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các ĐH được tự xác định học phí nhưng phải công khai.
Với bậc mầm non, phổ thông công lập, mức trần học phí với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 dao động từ 30.000 - 650.000 đồng tùy cấp học và khu vực. Với cơ sở giáo dục đã tự chủ, mức trần tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên.
Căn cứ vào mức trần này và tình hình địa phương, HĐND tỉnh, thành phố quyết định khung học phí bậc mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn.
Từ năm học 2024-2025, khung và mức học phí được điều chỉnh phù hợp theo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không quá 7,5% một năm.
3 năm liên tiếp học phí đại học giữ ổn định
Nghị định 81 được Chính phủ ban hành năm 2021, trong đó quy định lộ trình tăng học phí công lập đến năm 2026. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế, xã hội nên Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí.
Do đó, đã 3 năm liên tiếp các cơ sở giáo dục ĐH không tăng học phí. Còn ở mầm non và phổ thông, các tỉnh, thành phải cấp bù kinh phí để hỗ trợ phụ huynh và học sinh.
Liên quan đến vấn đề học phí ở bậc ĐH, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, thực hiện tự chủ ĐH mà Nhà nước cắt giảm đầu tư, các trường không tăng học phí thì không thể đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nhưng tăng học phí thế nào và các chính sách để đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH cho người học là điều cần phải tính. Hiện nay, Nghị định 81 là cơ sở để nhiều trường ĐH tăng học phí.
Trong đó, điều khiến ông Vinh băn khoăn là đối với chương trình đào tạo đạt mức kiểm định chất lượng, cơ sở giáo dục ĐH công lập được tự xác định mức thu học phí. Vấn đề kiểm định chương trình hiện còn nhiều bất cập. Đâu đó vẫn có tình trạng người kiểm định không phải chuyên gia trong ngành dẫn tới kiểm định chưa phản ánh được cơ bản chất lượng chương trình.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), nếu không làm tốt vấn đề quản trị về tài chính, trường ĐH không có đủ kinh phí để thuê giảng viên giỏi, không thể đầu tư cho cơ sở vật chất, khi đó chất lượng giáo dục không đảm bảo.
Vì vậy, các trường cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó chi phí sẽ giảm. Trước mắt, cần rà soát lại chuẩn đầu ra và cấu trúc lại chương trình để giảm chi phí cho nhà trường và thực chất là giảm học phí cho người học.