Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, khoảng cách trung bình từ Mặt Trăng tới Trái Đất là 384.000 km. Nhưng vì quỹ đạo của nó trên thực tế là hình elip nên Mặt Trăng có lúc ở gần và có lúc ở xa hơn một chút so với khoảng cách này. Thông thường, mỗi năm thường có 1, 2 hoặc có thể 3 lần mà Trăng tròn rơi vào đúng thời điểm Mặt Trăng đang ở gần điểm cận địa (điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó). Khi đó từ Trái Đất, chúng ta thấy Trăng lớn hơn và sáng hơn một chút, và gọi hiện tượng đó là siêu Trăng.
Tuy nhiên, siêu trăng cũng không có sự ưu tiên nào cho tháng 8 Âm lịch cả, và vì thế hoàn toàn không có việc cứ rằm tháng 8 thì Trăng sáng hơn.Một cách giải thích khác về niềm tin này là rằm tháng 8 thường rơi vào tháng 9 Dương lịch. Thời điểm này là mùa thu và ở nhiều khu vực ở Việt Nam (nhất là các tỉnh phía Bắc) trời thường ít mây, sau giai đoạn trước đó thường có nhiều mây và mưa, cộng thêm tâm lý văn hóa về ngày Trung Thu, nên người ta thấy Trăng tròn dường như sáng hơn thông thường.
Trước đó vào ngày 23/9, Trái Đất sẽ bước vào thu phân, tại điểm này, thời gian ban ngày, ban đêm không có sự chênh lệch như các thời kỳ trước. Tại điểm Thu phân, người quan sát sẽ thấy Mặt Trời mọc "chính xác" ở phía Đông và lặn "chính xác" ở phía Tây. Có thể nói nôm na là thu phân là thời điểm mà trước và sau đó khoảng 3 tháng Mặt Trời có xu hướng mỗi ngày mọc và lặn nhích dần về phía nam.
Vào thời điểm 12h ngày đầu tiên của tiết Thu phân, Mặt trời tạo với tiếp tuyến của xích đạo một góc là 90 độ. Thực tế, Trái đất chuyển động theo quỹ đạo quanh Mặt trời và ở thời điểm này không có nửa cầu nào nghiêng về phía Mặt trời nên lượng nhiệt độ, ánh sáng, thời gian chiếu sáng ở hai nửa cẩu tương đương nhau. Thời gian ban ngày, ban đêm không có sự chênh lệch như các thời kỳ trước. Tại nửa cầu Bắc là thời điểm tiết Thu phân thì nửa cầu Nam đang là giai đoạn giữa mùa xuân.