Tham lãi khủng khi thị trường sốt, nhà đầu tư bất động sản ngồi chốt số lỗ

Tâm Nguyên | 10/06/2023, 07:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một số nhà đầu tư có lãi khi thị trường sôi động nhưng quyết không bán vì sợ hớ. Đến khi thị trường rơi vào trầm lắng, giá giảm sâu nhà đầu tư lại chỉ biết nói: “Biết thế”.

Giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2022, giá đất ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước được dịp tăng. Trong đó, điển hình phải kể đến đất tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Phước...chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng “phi mã”. Trong cơn sốt, dù lãi vài trăm triệu đồng người có đất cũng không muốn bán ra, vì sợ hớ. Tuy nhiên, đến khi cơn sốt đi qua, áp lực tài chính đè nặng khiến nhà đầu tư phải “ngậm đắng nuốt cay” bán lỗ.

Đơn cử, anh Chu Văn Tuấn (Tây Hồ, Hà Nội) tâm sự: “Trước kia đa phần có tiền tôi đều gửi ngân hàng, nếu cần đầu tư cho các cửa hàng kinh doanh mới rút ra. Nhưng đầu năm 2022, thông tin bất động sản diễn biến nóng tràn ngập ở khắp nơi, đi đâu cũng thấy mọi người nói chuyện đất đai nên tôi cũng rút tiền về để đầu tư. Hầu hết, sau khi mua xong các mảnh đất đều nhanh chóng có lãi khoảng 200 triệu đồng, thậm chí có lô nếu bán sẽ lãi ngay 500 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu để lâu hơn giá trị của các lô đất có thể sẽ gấp 2 lần chỉ trong thời gian ngắn.

Anh Tuấn cho biết, tháng 4/2022, anh mua 3 mảnh đất tại Đông Anh (Hà Nội) với giá 10 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng vay ngân hàng. Mua bán hoàn thành, chỉ sau 2 tuần 3 mảnh đất của anh Tuấn đều được hỏi mua với tổng giá chênh khoảng 900 triệu đồng.

“Tôi nhẩm tính, mới chỉ 2 tuần đã lời được gần 1 tỷ, nếu để thêm nửa năm có thể sẽ lãi trên 50% số vốn. Tuy nhiên, thị trường giữa năm 2022 gặp nhiều thông tin bất lợi và dần đi vào trầm lắng”, anh Tuấn nói.

Tham lãi khủng khi thị trường “sốt”, bây giờ nhà đầu tư bất động sản ngồi chốt số lỗ: “Biết thế tôi gửi tiền ngân hàng thì đã có thêm vài trăm triệu” - Ảnh 1.

Hiện nay, lãi suất khoản vay của anh Tuấn đang ở mức trên 13%. Đồng thời, tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan khiến anh Tuấn rơi vào tình trạng áp lực tài chính đè nén, buộc phải rao bán đất trả nợ.

“Tôi đã rao bán 3 tháng nay, nhưng đa phần đều bị ép giá lỗ khoảng 25% so với thời điểm mua. Bây giờ nếu không bán đất đi để trả nợ tôi cũng hết cách xoay sở dòng tiền. Nên dù lỗ nhiều nhưng tôi cũng đành bán. Biết thế này tôi đã bán ngay từ khi lãi hoặc gửi ngân hàng đến nay cũng có thêm vài trăm triệu đồng”, anh Tuấn than thở.

Sau hơn 1 năm đầu tư, chị Nguyễn Cúc (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây cũng ngậm ngùi cắt lỗ nửa tỷ đồng. Cuối năm 2021, chị Cúc bỏ 6 tỷ đồng để mua 2 lô đất gần khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Đến đầu năm 2022, các mảnh đất này đều được hỏi mua với tổng mức chênh 1 tỷ đồng. Song, chị vẫn không bán và muốn nắm giữ thêm.

“Lúc đầu mua tôi tính sẽ nắm giữ khoảng 2 - 3 năm, nhưng giờ giá ở đâu cũng giảm mạnh. Mặc dù không sử dụng đòn bẩy tài chính nhưng tôi vẫn quyết bán đi, nhỡ giá đất giảm thêm tôi lỗ nặng. Tôi thu tiền về, đợi thêm rồi sẽ vào mua đất với giá rẻ hơn sau”, chị Cúc nói.

Trước kia nhiều nhà đầu tư vừa mua đất đã nhanh chóng có lãi ngay. Tuy nhiên, vì sợ hớ nên không bán, đến nay họ phải chấp nhận cắt lỗ với nhiều lý do khác nhau. Thực tế, việc cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư vào thị trường sau, còn những người đã đầu tư từ lâu hiện nay vẫn chỉ là giảm lãi.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao, không còn phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Áp lực tăng giá đầu vào như vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, chi phí vốn, giá đất…đã gây áp lực lên giá thành bất động sản.

“Tuy nhiên, giá bất động sản có giảm trong thời gian gần đây nhưng vẫn gấp nhiều lần so với thời điểm năm 2018. Do đó, cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn”, ông Đính nói.

Bài liên quan
Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ
Bà Nguyễn Thị Khuyên, Tổng Giám đốc và ông Văn Đình Toàn, Phó tổng giám đốc Cty Cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát đã bị cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội bắt giữ điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. CQĐT xác định, từ năm 2019, các đối tượng đã huy động hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư, đến nay mất khả năng chi trả, chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham lãi khủng khi thị trường sốt, nhà đầu tư bất động sản ngồi chốt số lỗ