Tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước về Chương trình Giáo dục mầm non mới

Hà An | 11/11/2022, 16:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vừa thực hiện tham vấn chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước về dự thảo 1 chương trình GDMN mới.

GS.TS Lê Anh Vinh, Ủy viên Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non, Trưởng Ban biên soạn chương trình, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết: Việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non (GDMN) là hoạt động cực kỳ có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành.

GS Lê Anh Vinh đặc biệt nhấn mạnh: Chương trình giáo dục mầm non cần có sự kết nối với chương trình giáo dục Phổ thông để vừa đảm bảo quyền học tập của trẻ em, vừa là bước đệm cho trẻ bước vào chương trình giáo dục phổ thông. Đặc trưng của chương trình GDMN lần này thể hiện sự đa dạng của vùng miền, địa phương, đáp ứng điều kiện thực tại của nhà trường.

Tại hội thảo tham vấn, Ban biên soạn đã nhận được đóng góp tích cực của các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục, các giảng viên, giáo viên mầm non đến từ các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non; các sở GD&ĐT và tổ chức quốc tế. Các ý kiến hết sức trách nhiệm và tâm huyết, hết sức ý nghĩa, là cơ sở điều chỉnh dự thảo 1 Chương trình GDMN mới.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN đã đề cập một số yêu cầu đối với chương trình GDMN mới. Trong đó nhấn mạnh chương trình giáo dục mầm non mới phải gắn với chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi, đồng thời thể hiện trục của chương trình giáo dục mầm non là trục “Tình cảm- KN xã hội” và kế thừa chương trình giáo dục mầm non hiện hành với quan điểm tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm .

Trình bày cấu trúc của chương trình GDMN mới, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đưa luận chứng làm rõ về Cấu trúc Chương trình giáo dục mầm non và tập trung vào ba phần: những vấn đề chung trong Dự thảo 1 Chương trình, điều kiện thực hiện Chương trình và hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Thảo luận tại buổi làm việc, đa số các đại biểu nhận xét quan điểm tiếp cận khi xây dựng Chương trình rất hiện đại, phù hợp với nhu cầu xã hội. Đặc biệt là nhóm biên soạn đã tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em và giáo dục hòa nhập và nhóm trẻ đặc biệt được quan tâm. Tuy nhiên cần làm rõ mục đích, các thuật ngữ trong chương trình, cụ thể hóa các điều kiện thực hiện và hướng dẫn thực hiện Chương trình cần chi tiết hơn.

Bài liên quan
Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra với giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên
Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 1003/TTr-NV2, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học 2024-2025 với giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước về Chương trình Giáo dục mầm non mới