Thăng hạng chức danh nghề nghiệp sao cho thấu tình, đạt lý

05/08/2023, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực tế nhiều địa phương gặp khó khăn việc bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên...

Trong quá trình thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ GD&ĐT (Thông tư 08) khi bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên, nhiều địa phương gặp khó khăn.

Trước thực trạng trên, có nơi nhận khó về mình để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà giáo, chỗ thì gửi văn bản xin hướng dẫn từ đơn vị chức năng của Bộ. Một số địa phương khác lại đi ngược số đông, gây bức xúc cho hàng nghìn giáo viên.

Nhận khó về mình

Tại Tiền Giang, thời điểm năm học 2021 - 2022, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trọng các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT theo Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ĐT gặp không ít khó khăn.

“Với tinh thần cầu thị và mong muốn những gì tốt nhất cho giáo viên nên trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có tình huống phát sinh, chúng tôi sẽ tiếp thu và tiếp tục điều chỉnh để chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn”, TS Vũ Minh Đức bày tỏ.

Cán bộ, giáo viên băn khoăn là thời gian giữ hạng (9 năm đối với giáo viên đạt chuẩn trình độ và 6 năm đối với giáo viên vượt chuẩn trình độ khi tuyển dụng). Trước đó, nhiều giáo viên tự đầu tư kinh phí đi học chứng chỉ nghề nghiệp nhưng do không nắm rõ tiêu chuẩn nên học rồi không được giữ hạng cho chuẩn chức danh nghề nghiệp mới hay học nhầm chứng chỉ. Không ít đơn vị không đủ thẩm quyền cũng mở các lớp học và cấp chứng chỉ nhưng không sử dụng được, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc của giáo viên…

Để tháo gỡ khó khăn, đầu năm 2021, Sở GD&ĐT Tiền Giang yêu cầu các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để xác định nhóm cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư mới. Các cơ sở giáo dục chú trọng xây dựng kế hoạch, sắp xếp, tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời tham mưu cho UBND cấp huyện, công bố hộp thư và đường dây nóng để gải đáp thắc mắc cho giáo viên. Hiệu trưởng nhà trường xây dựng đề án vị trí việc làm, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp…

Ghi nhận khó khăn của địa phương trong quá trình triển khai chùm Thông tư 01 - 04, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08/2023 ngày 14/4/2023. Theo đó, từ ngày 30/5/2023, giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho hay: Tại Thông tư số 08, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (chứng chỉ) như sau: Chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên.

Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Giáo viên có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy được cấp trước ngày 30/6/2022 được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp, giáo viên tương ứng theo quy định tại chùm Thông tư 01 - 04 và khi chuyển chức danh nghề nghiệp không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.

Ông Châu Tuấn Hồng cho biết thêm: Theo Thông tư số 08, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: Trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp hiện được xếp theo Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

Đối với việc điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm theo Thông tư số 08, theo ông Châu Tuấn Hồng, việc này nhằm thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác. Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II tăng từ 6 năm lên 9 năm để tuân thủ quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Đồng thời, thống nhất với quy định thời gian giữ hạng III đối với giáo viên phổ thông và quy định thời gian giữ ngạch/hạng đối với các chức danh cùng được áp dụng bảng lương của công chức/viên chức loại A1 khác.

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp sao cho thấu tình, đạt lý ảnh 1
Cô trò trường mầm non trên địa bàn thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh). Ảnh: Đăng Chung

Giải đáp khúc mắc

Liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học và THCS theo Thông tư 08, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT. Theo nội dung công văn, từ năm 2016 đến nay, Bắc Ninh thực hiện việc tuyển dụng nhiều viên chức giáo viên tiểu học và THCS hạng II (trình độ đại học). Sau khi được tuyển dụng, thầy cô đều được bổ nhiệm, xếp lương giáo viên hạng II (hưởng lương đại học, nhóm A1). Do vậy, không có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III theo quy định.

Từ thực tế nêu trên, Sở Nội vụ Bắc Ninh đặt vấn đề: Những giáo viên tiểu học trên có được bổ nhiệm, xếp lương vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học từ hạng II cũ (mã số V.07.03.07) vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II mới (mã số V.07.03.28) nếu đủ 9 năm trở lên không? hay chỉ được xếp vào giáo viên tiểu học hạng III mới?

Ngoài ra, những giáo viên THCS trên có được bổ nhiệm, xếp lương vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS từ hạng II cũ (mã số V.07.04.11) vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới (mã số V.07.04.31) nếu đủ 9 năm trở lên không? hay chỉ được xếp vào giáo viên THCS hạng III mới?

Những vấn đề nêu trên cũng là băn khoăn của cô Ka H’Hoa, Trường THCS Lý Tự Trọng, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Cô Ka H’Hoa được xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II cũ và hưởng lương theo bằng đại học. Tuy nhiên, hiện cô chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo Thông tư 08. Cô Ka H’Hoa mong muốn sớm có hướng dẫn và thống nhất cách làm giữa các địa phương trong việc tổ chức xét/ thi/ bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo đủ tiêu chuẩn, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng.

Là đại biểu Quốc hội khóa XV, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên THPT hạng III của Trường THPT Lương Tài (Bắc Ninh) cho biết, qua theo dõi, giám sát cho thấy, việc bổ nhiệm, thi/ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã nảy sinh những vướng mắc.

“Trong những buổi tiếp xúc cử tri, nhiều giáo viên phản ánh về việc xếp lương nhà giáo còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, có giáo viên dù đã đạt chuẩn, thậm chí trên chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 nhưng vẫn hưởng lương theo bằng trung cấp (đối với giáo viên mầm non, tiểu học) và cao đẳng (đối với giáo viên THCS)”, đại biểu Nguyễn Thị Hà thông tin và mong muốn: Cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết những khúc mắc nêu trên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên yên tâm công tác.

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp sao cho thấu tình, đạt lý ảnh 2
Giáo viên thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) tham gia lớp học nâng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh: CTV

Điều chỉnh những bất cập

Phúc đáp đề nghị của Sở Nội vụ Bắc Ninh về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên theo Thông tư 08, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có ý kiến, cụ thể:

Về yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TT-BNV-BGDĐT sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS thực hiện theo quy định tại Điều 7 các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9 Điều 1, Khoản 7 Điều 2, Khoản 8 Điều 3 Thông tư 08.

Theo đó, khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TT-BNV-BGDĐT sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm.

Khi chuyển hạng chức danh nghề nghiệp, trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ và đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư số 08.

Theo đó, khi chuyển chức danh nghề nghiệp không yêu cầu viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển (Điểm c Khoản 5 Điều 5 Thông tư 08). Sau khi được bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp, nếu giáo viên có nhu cầu đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo yêu cầu của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Về việc điều chỉnh bảng lương áp dụng đối với các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho ý kiến: Quy định bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TT-BNV-BGDĐT sang hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT là bổ nhiệm sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng, không phải là thăng hạng. Việc điều chỉnh bảng lương áp dụng đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP phù hợp với yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên từng cấp học.

Cuối tháng 7/2023, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã nộp đơn kiến nghị nội dung liên quan đến quy định tại Thông tư 08. Trong đơn kiến nghị, các giáo viên lo lắng mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến. Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, trong quá trình ban hành văn bản, có thể cơ quan quản lý không lường trước các tình huống xảy ra trong thực tiễn.

Chẳng hạn, có thầy cô không được thi tuyển hoặc thi tuyển nhưng không đỗ… Khi phát hiện những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn, cần điều chỉnh ngay, đảm bảo phù hợp với khách quan và quyền lợi chính đáng của giáo viên.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nêu quan điểm, Thông tư 08 được ban hành phần nào giải quyết được những tâm tư, khúc mắc của giáo viên. Tuy nhiên, mọi khó khăn không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Trước hết, Thông tư 08 sẽ giúp giáo viên giải tỏa tâm lý về việc xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp. Vì thời gian qua, các thầy cô đã lên tiếng nhiều về những bất cập nảy sinh trong thực tiễn, nay đã được gỡ khó…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp sao cho thấu tình, đạt lý