Người đại diện cho gia đình Bác đón khách
Năm nay là kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2022). Tại quê hương của Người, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An đã mở cửa đón bà con, nhân dân cả nước về thăm sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tháng 5 này, du khách về với quê Bác đông và nhộn nhịp hơn cả, khiến các thuyết minh viên tại đây gần như phải làm việc liên tục từ sáng sớm tới chiều tối.
Nữ thuyết minh viên Lê Thị Hà có tuổi đời còn khá trẻ, nhưng rất tâm huyết với công việc của mình và không ngừng học hỏi thêm kiến thức, hiểu biết bản thân cũng như phong cách kể chuyện, diễn thuyết. Với Lê Thị Hà, thuyết minh viên tại quê Bác không chỉ dừng lại ở nghề nghiệp đơn thuần, mà còn gắn với nhiều ý nghĩa thiêng liêng: “Chúng tôi là những người thay gia đình Bác tiếp khách. Khách của gia đình Bác là nguyên thủ quốc gia, nhưng cũng là bất cứ người dân nào khắp mọi miền đất nước. Là các ông bà đến cháu nhỏ; là cựu chiến binh, chiến sĩ công an, quân đội và cả những người đã từng bên kia chiến tuyến...
Công việc yêu cầu bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, kiến thức cao, không được phép sai sót. Và quan trọng không kém là chuyển tải được trọn vẹn và chân thực nhất thời thơ ấu của Bác, những tình cảm thiêng liêng của Người đối với quê hương và của quê hương dành cho Người”, nữ thuyết minh viên Lê Thị Hà chia sẻ.
Chị Phùng Thị Hương Giang đã có kinh nghiệm 26 năm làm thuyết minh viên tại quê Bác. Chị chia sẻ, kiến thức về Bác mênh mông và nhiều lắm, không phải chỉ là một vài câu chuyện thuộc lòng kể đi kể lại. Thuyết minh viên phải luôn tìm hiểu, đọc thêm nhiều tài liệu mỗi ngày mỗi giờ. Bởi ngoài những câu chuyện, giới thiệu về quê nội, quê ngoại, các kỷ vật liên quan đến gia đình Bác, còn là kiến thức về lịch sử, văn hóa để trao đổi, chia sẻ với du khách.
Cũng theo nữ thuyết minh viên kỳ cựu, những năm tháng làm nhiệm vụ đặc biệt này, không ít du khách đặt những câu hỏi khó, nhưng chị đã giúp họ có thông tin, câu trả lời thỏa đáng, giới thiệu tài liệu để tìm hiểu thêm. Có lần, nhóm thuyết minh của chị đón đoàn du khách trong đó có cựu binh người Mỹ. Khi về quê Bác, được nghe những câu chuyện đời thường của Người, trước khi trở thành vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, họ đã rất xúc động và khâm phục.
Họ được biết đến Hồ Chí Minh cũng là một con người bằng da bằng thịt, được cha mẹ sinh ra trong khó nhọc, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, được nuôi dưỡng lòng yêu nước và quyết tâm, khát khao tìm đường giành lại độc lập, tự do cho dân tộc… Và họ chia sẻ lại đã hiểu được tại sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được người dân Việt Nam yêu quý, thân thương gọi “Bác”, coi là vị cha già dân tộc, mà còn được quốc tế công nhận.
Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quê Bác có nhiều thời điểm phải tạm dừng đón khách để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, trong thời gian đó, công việc của các thuyết minh viên vẫn không hề gián đoạn, mà liên tục với nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ tuyên truyền tại Khu di tích lịch sử quốc gia Kim Liên, mà còn tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin khác như tạp chí, triển lãm, nói chuyện trực tiếp tại trường học, cơ quan, đơn vị… Bên cạnh đó còn thuyết minh online trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
“Nhưng sau đợt dịch, lần kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay, được đón khách trở lại, được trực tiếp nhìn thấy dòng người trở về quê Bác khiến chính chúng tôi cũng thấy vui mừng, xúc động hơn. Những dịp đặc biệt, cường độ công việc cao tôi lại càng thấy yêu mến và tự hào vì công việc của mình, đã góp phần lan tỏa tâm hồn, cốt cách cao đẹp, lối sống giản dị, tình yêu thương của Bác dành cho đất nước, cho dân tộc, cho con người”, chị Phùng Thị Hương Giang chia sẻ.