Từ năm 18 tuổi, Hoàng Anh đã tiết kiệm tiền cho kế hoạch chinh phục 63 tỉnh thành, những hành trình với chi phí thấp của cô thu hút 3,3 triệu lượt thích trên TikTok
“Những chuyến đi mang lại cho mình rất nhiều trải nghiệm của tuổi trẻ rực rỡ cũng như nhiều kỹ năng bổ trợ trong công việc và cuộc sống. Mình luôn cố gắng tăng thu nhập và tối ưu hóa các khoản chi phí để có thể vi vu đến các vùng đất mới nhiều hơn”, Nguyễn Khánh Hoàng Anh (27 tuổi, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Nguyễn Khánh Hoàng Anh chính là travel blogger Mavis Vi Vu Ký, nhà sáng tạo nội dung thường chia sẻ cách du lịch tới các bạn trẻ. Cô cũng là tác giả cuốn sách "Vạn dặm đường từ một bước chân" được nhiều độc giả đam mê xê dịch ủng hộ. Năm 25 tuổi, cô đã chinh phục hết 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Khi còn là một sinh viên năm nhất, Hoàng Anh đã có chuyến du lịch bụi đầu tiên, đó là hành trình chinh phục cực Nam đất nước. Chuyến đi xuyên qua các tỉnh miền Tây là An Giang, Kiên Giang, Cà Mau rồi về lại Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 ngày với chi phí chỉ khoảng 3 triệu đồng.
Gen Z luôn bị cho là không biết tiết kiệm và tiêu xài không hợp lý, nhưng Hoàng Anh nằm trong số các bạn trẻ nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm và quản lý chi tiêu khoa học nhằm hoàn thành các mục tiêu tài chính quan trọng. Cô tự tìm tòi các cách hay để tiết kiệm chi tiêu, giúp bản thân sớm đạt được mục tiêu mình đề ra.
Tăng thu nhập là cách tiết kiệm hiệu quả
Thời sinh viên chưa thể có nguồn thu nhập cao nên Hoàng Anh thường cố gói gọn chi tiêu trong 5-7 triệu đồng mỗi tháng và tìm các cơ hội tạo thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Cô làm các công việc tự do như viết bài cho báo, thiết kế logo, bìa sách và các sản phẩm thủ công. Tiền kiếm được chưa nhiều nhưng tích tiểu thành đại. Bên cạnh đó, cô cũng tham gia nhiều cuộc thi để có tiền thưởng và kinh nghiệm công việc.
“Mình đi thực tập khá sớm, từ năm thứ 2 đại học, một phần vì muốn tạo nền tảng để dễ xin việc khi ra trường, mỗi tháng lại có lương thực tập để trang trải cuộc sống. Tăng thu nhập là bước đầu tiên để hướng đến tiết kiệm hiệu quả. Mình có một khoản để dành mà vẫn đảm bảo các nhu cầu cuộc sống”, Hoàng Anh chia sẻ.
Thu nhập nhiều tới đâu thì cũng khó tiết kiệm nếu không có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Mỗi khi có nguồn thu nhập mới, Hoàng Anh gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm để hạn chế dùng tới và có thể sinh lời. Đây gọi là nguyên tắc “Tiết kiệm trước, chi tiêu sau”.
Mỗi khi muốn mua một món đồ, cô thường hỏi bản thân là mình "cần" hay "muốn" và sẽ chỉ chọn mua những cái mình cần. Ngoài ra, Hoàng Anh cũng giữ thói quen ghi danh sách chi tiêu để có thể nhìn lại mỗi tháng, cân chỉnh lại vào tháng sau nhằm đảm bảo kế hoạch tài chính.
Du lịch 'siêu rẻ' nhưng hiệu quả
Hoàng Anh cho biết bản thân luôn cố gắng kiếm nhiều tiền hơn và mua theo nhu cầu của mình một cách tương đối. Mỗi khi tiết kiệm được đủ nhiều, cô đi du lịch xa, còn khi ít tiền thì đi gần và chọn nơi có chi phí rẻ hơn
Để tiết kiệm, Hoàng Anh thường đi những nơi gần TP.HCM bằng xe máy. Bên cạnh đó, cô săn vé máy bay rẻ cho những chuyến đi xa hơn, đôi khi chỉ từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Khi tài chính dư dả hơn, cô cũng cho phép mình thoải mái đi xa để khám phá những miền đất mới.
Về cơ bản, cô có thể linh động tùy theo tình hình tài chính của mình, không quên mục tiêu khám phá những miền đất mới để mở rộng thế giới quan và nâng cao nhận thức về cuộc sống.
Mỗi khi lên kế hoạch du lịch, Hoàng Anh sẽ tìm hiểu cách di chuyển, các trải nghiệm, nơi chỗ ở và ăn uống. Khi hứng thú với một nơi nào đó, cô sẽ tìm hiểu về cách di chuyển đến đó sao cho thuận lợi nhất với chi phí tốt nhất, và cách di chuyển tại nơi đó như xe máy, landtour hay phương tiện công cộng.
Sau đó, cô tìm hiểu về những trải nghiệm về địa điểm mình muốn đến thông qua các trang mạng xã hội. Thường trong mỗi chuyến đi cô đều muốn khám phá các yếu tố thiên nhiên, văn hóa, con người cùng những trải nghiệm thú vị bản địa. Từ danh sách tham khảo, cô chọn một số hoạt động phù hợp với tổng số ngày mình có thể đi, rồi tự thiết kế lịch trình.
Khi đã nắm rõ các trải nghiệm hay điểm đến mong muốn, Hoàng Anh tìm trên bản đồ để chọn chỗ ở tiện di chuyển nhất, lên mạng xem đánh giá dịch vụ tại chỗ ở có tốt hay không. Sau cùng, cô sẽ tìm hiểu về các quán ăn ngon, đưa vào lịch trình theo vị trí hợp lý.
Hoàng Anh cho biết: "Ba thứ ngốn nhiều chi phí nhất là di chuyển, chỗ ở, ăn uống. Nếu xử lý các chi phí này một cách thông minh là bản thân đã có thể tiết kiệm kha khá cho chuyến đi rồi".
Đối với những địa điểm gần, Hoàng Anh chọn đi bằng xe máy, vừa trải nghiệm được bầu không khí của vùng đất đó vừa linh hoạt và tiết kiệm. Đối với những địa điểm xa, cô đặt vé máy bay 2-3 tháng trước chuyến đi, săn vé máy bay giá rẻ hoặc tận dụng các chương trình khuyến mãi của các hãng; chọn bay vào giờ thấp điểm như sáng sớm hoặc tối muộn.
Hoàng Anh thường ưu tiên chọn chỗ ở có giá vừa phải, sạch sẽ, vừa đủ tiện nghi nhưng không cần quá sang trọng. Cô cũng thường dành thời gian so sánh giữa các trang dịch vụ để có giá tốt nhất. Nếu đi một mình, cô thuê giường dorm để tiết kiệm chi phí. Nếu đi nhóm đông, cô sẽ chọn một căn hộ trên Airbnb, vừa có nhiều phòng lại có không gian sinh hoạt chung.
Hoàng Anh thường hỏi người bản địa về những quán ăn ngon tại địa phương, thường có giá vừa phải. Đây cũng là cơ hội để người đi du lịch tìm được những quán ăn vị bản địa đặc biệt mà ít ai lui tới.
"Khi bước đến những vùng đất mới, mình như đứa trẻ con đang tập lớn với những bài học không được dạy từ trường lớp. Thế nên, khi còn trẻ, bạn hãy tranh thủ dành dụm một khoản tiền để bước ra khỏi vùng an toàn và vi vu khám phá", Hoàng Anh nói.