Theo đó, Tập đoàn Sumitomo Corporation thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc phát triển và vận hành Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa với diện tích phát triển dự kiến là 650 ha và Trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp với diện tích phát triển dự kiến khoảng 168,5 ha; dự kiến dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 – 2025, với tổng số vốn khoảng 400 triệu USD.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần so với cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn 43,4 triệu USD cho 3 dự án; tiếp nhận 6 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại với tổng vốn khoảng 5,1 triệu USD.
Trong đó, có một số dự án lớn như: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng), Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn (1.098,5 tỷ đồng); Dự án Nhà máy Nghi Sơn Global (860 tỷ đồng), dự án Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng, Bá Thước (320 tỷ đồng), dự án Nhà máy Green Leader Việt Nam (30 triệu USD)…
Năm 2023, tỉnh Thanh Hoá kỳ vọng thu hút được 10 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 3.570 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch làm cơ sở thu hút dự án FDI chất lượng cao. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đưa Thanh Hoá trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.