Thanh, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT: Những tình huống ngoài 'phương án'

Hải Minh | 02/07/2022, 13:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Bộ GD&ĐT dự kiến huy động khoảng 8.000 giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra ở cả hai khâu tổ chức thi và chấm thi.

Sẵn sàng tâm thế

Nhằm bảo đảm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng, Bộ GD&ĐT điều động đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương từ khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Theo đó, cùng với lực lượng thanh tra của các sở GD&ĐT, tại hội đồng thi của tất cả địa phương còn có sự tham gia của thanh tra Bộ GD&ĐT - là cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học.

Bộ đã tập huấn công tác thanh tra, kiểm tra cho nhân sự các sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Ở khâu coi thi, 63 đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ tại các sở GD&ĐT. Bộ GD&ĐT có 5 đoàn do các thứ trưởng làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các tỉnh. Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn tham mưu tổ chức 10 đoàn kiểm tra độc lập tại 20 địa phương…

Năm nay, Bộ GD&ĐT huy động 80 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia đoàn thanh, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Toàn bộ cán bộ, giảng viên được triệu tập được tập huấn về nghiệp vụ và các biện pháp xử lý tình huống.

“Chúng tôi ưu tiên lựa chọn người có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi; đặc biệt phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh, đồng thời thông tin: Dự kiến, cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được điều động về tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để làm nhiệm vụ.

Trường ĐH An Giang có 75 cán bộ, viên chức được trưng tập tham gia đoàn thanh tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại tỉnh Long An. Tất cả đều sẵn sàng tâm thế lên đường nhận nhiệm vụ. Do đó, các buổi tập huấn đều được cán bộ thanh tra thực hiện nghiêm túc.

Theo PGS.TS Hồ Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngoài yếu tố phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, mỗi cán bộ trong đoàn kiểm tra phải nắm chắc quy chế thi, vững về chuyên môn nghiệp vụ và bình tĩnh xử lý khi phát hiện dấu hiệu sai sót. Việc xử lý cần dựa trên các quy định của quy chế thi và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Tinh thần là: Trung thực, khách quan, công bằng và nghiêm minh.

Thanh, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT: Những tình huống ngoài 'phương án' ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 tại tỉnh Nam Định. Ảnh: TG - Internet

Nắm chắc quy chế thi

Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác thanh tra kỳ thi, năm nay ThS Nguyễn Đức Khôi, Phó phòng Thanh tra giáo dục, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, tiếp tục là một trong 75 thành viên của trường tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. ThS Khôi bật mí, ngay khi tiếp cận điểm thi, việc đầu tiên là quan sát, kiểm tra hiện trạng như: Phòng thi, tường rào, hệ thống camera, các phòng chứa bài thi, đề thi…, sau đó làm biên bản để các bên cùng ký xác nhận. Nếu khâu nào chưa đạt yêu cầu, cần có ý kiến đề nghị Trưởng điểm thi khắc phục.

Ngoài ra, để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra cần lưu ý một số vấn đề như: Tổ chức tập huấn nghiêm túc cho cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ này. Các đoàn thanh tra, kiểm tra cần xây dựng kế hoạch chi tiết những việc cần làm, tránh bị động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, đoàn thanh tra, kiểm tra cần liên hệ và phối hợp tốt, chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thi để nắm bắt tình hình tại các điểm thi từ vấn đề an ninh trật tự cho đến cơ sở vật chất…

Cùng với đó, mỗi cá nhân cần chuẩn bị tâm thế và trang bị cho mình những kỹ năng, phương án xử lý “ngoài giáo án”. Chẳng hạn, có thí sinh bị cảm đột ngột thì xử lý thế nào; giám thị bị tai nạn khi đang trên đường đến điểm thi thì xử lý ra sao… “Mỗi cán bộ luôn trong thế chủ động, bình tĩnh và làm chủ tình huống. Muốn vậy, điểm mấu chốt vẫn phải nắm chắc quy chế thi và các quy định hiện hành về thanh tra, kiểm tra thi” – ThS Khôi nhấn mạnh.

Cũng theo ThS Khôi, làm công tác thanh, kiểm tra kỳ thi phải hết sức tỉ mỉ, phối hợp tốt với hội đồng thi trong thực hiện nhiệm vụ. Chẳng hạn như, khi kiểm tra camera an ninh, giám sát tại các phòng chứa đề hoặc phòng chấm thi…, cần đối chiếu cả việc cài đặt thời gian của thiết bị này với giờ thực tế, xem có bị lệch nhau hay không, cấu hình ra sao và có còn kết nối Internet hay không…? “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, công việc này càng cẩn thận, chi tiết thì hiệu quả càng cao, góp phần vào thành công chung của kỳ thi” – ThS Khôi chia sẻ.

Theo ThS Nguyễn Đức Khôi, thành viên tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi đều được tập huấn nghiệp vụ, nắm chắc quy chế thi và bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, sau tập huấn, cán bộ, giảng viên đều được thực hành bằng một bài kiểm tra nhằm kịp thời bổ sung những phần còn thiếu sót. Bất kỳ tình huống nào cũng phải bám sát quy chế thi để xử lý. Với trường hợp phát sinh ngoài dự báo, cần báo cáo cấp trên để có biện pháp phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT: Những tình huống ngoài 'phương án'