Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, tại TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị. Qua đó, xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Tại thành phố Cần Thơ, Tổ công tác cũng đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với trên 10 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 79 dự án nhà ở, khu đô thị,…
Cần nhiều giải pháp
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu thời gian tới các địa phương khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các nhóm vấn đề tồn tại thuộc thẩm quyền nhằm hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản như: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án bất động sản phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, xác định giá đất,… Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiểm tra, báo cáo những vấn đề mới phát sinh.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng,…
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, với phân khúc nhà ở xã hội, chính sách lãi suất ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng của Chính phủ được kỳ vọng là động lực thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới tại TP Hồ Chí Minh năm nay. Tuy vậy, kể từ khi ban hành đến nay, chỉ có 6 dự án tại TP Hồ Chí Minh đáp ứng điều kiện được giải ngân từ gói hỗ trợ này.
Theo các chuyên gia, Nhà nước cần tăng cường xây dựng bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển, tăng cường hỗ trợ chính sách để kinh tế tư nhân phát triển bền vững nhằm nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế… Đồng thời, có chính sách khuyến khích hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp phải trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh giúp giảm phát thải, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân...
Thực tế, hiện các dự án của Novaland căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ. Các dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hầu hết đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Các dự án tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận cũng được Tổ Công tác và các bộ, ngành tận tình hướng dẫn và địa phương đang tập trung tháo gỡ.
Các chuyên gia cho rằng, một dự án phát triển đến được giai đoạn có giấy phép xây dựng để thi công mới tạo ra công ăn việc làm, tạo ra đơn đặt hàng cho hàng trăm ngành nghề liên quan. Trong khi đó, hiện quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do đó, các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư, Nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất…